Tỉ phú nông nghiệp Nguyễn Ngọc Sang: Vận dụng khoa học - kỹ thuật để làm giàu
Mấy năm gần đây, ở huyện Phù Cát đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ đã vươn lên làm giàu. Nét chung của những điển hình này là biết cách ứng dụng như kiến thức, kỹ thuật được chuyển giao. Một trong những cá nhân tiêu biểu là gia đình anh Nguyễn Ngọc Sang ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp.
Anh Nguyễn Ngọc Sang đang cho gà ăn.
Năm 2000, với diện gia đình dãn dân xây dựng khu kinh tế mới, anh Sang được xã Cát Hiệp cấp 3 ha đất. Trước khi bắt tay vào trồng điều kết hợp nuôi gà, anh tổng hợp những kiến thức KHKT từ các lớp tập huấn do các cấp chính quyền, Hội Nông dân tổ chức, đồng thời thường xuyên đối chiếu với thực tiễn sản xuất. Nhờ vậy quá trình thâm canh, chăm sóc, cải tạo đất và sử dụng các loại phân bón của gia đình đạt hiệu quả cao. Không như nhiều vườn điều khác, hiện tại vườn điều 200 cây của nhà anh Sang vẫn phát triển rất tốt, năng suất cao, ổn định, mỗi năm cho lãi ròng gần 60 triệu đồng.
Việc tiếp thu và vận dụng tối đa các kiến thức KHKT trong sản xuất nông nghiệp được anh áp dụng sang lĩnh vực chăn nuôi heo, gà, vịt. Riêng việc nuôi gà và vịt đã giúp anh lãi mỗi năm trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, cả gà và vịt đều thua xa lợi nhuận từ việc nuôi heo. Gia đình anh Sang nuôi 400 heo thịt /lứa (3 lứa/năm), 120 con heo nái để lấy giống. Khu chăn nuôi heo của gia đình anh Sang thực hiện theo quy trình khép kín; chất thải được gom vào hầm biogas để lấy khí đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đốt lò giữ ấm cho gà con. Năm 2018, lãi ròng từ việc nuôi heo khoảng 2,6 tỉ đồng.
Anh Nguyễn Ngọc Sang chia sẻ: Tôi thường xuyên tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm hay và những tiến bộ KHKT mới để áp dụng vào sản xuất, đồng thời rút kinh nghiệm qua thực tế nhiều năm, tôi nhận thấy để cho canh tác, chăn nuôi tốt nhất định phải chịu khó học tập và ứng dụng KHKT. Sản phẩm càng sạch, càng thân thiện với môi trường càng dễ bán, bán được với giá cao.
LƯƠNG NGỌC TẤN