Khu đất kho thóc cũ tại thôn 1, xã Bình Nghi (Tây Sơn) bỏ hoang: Lãng phí đất “vàng”
Nhiều năm nay, khu đất thuộc Kho thóc cũ ở thôn 1, xã Bình Nghi (Tây Sơn) rộng hàng chục ngàn mét vuông không được khai thác, sử dụng, gây lãng phí lớn.
Khoảng đầu những năm 1980, Kho thóc tại thôn 1 (xã Bình Nghi) được Nhà nước đầu tư xây dựng để làm nơi chứa, bảo quản thóc; thuộc quyền quản lý của Công ty lương thực Nghĩa Bình - nay là Công ty CP Lương thực Bình Định.
Khu đất thuộc Kho thóc cũ hoang hóa với cây bụi rậm rạp, vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Kho thóc cũ gồm 2 gian nhà, rộng hàng trăm mét vuông, tọa lạc trên khu đất có tổng diện tích khoảng hơn 1 ha, nằm ngay mặt tiền QL 19, đối diện Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh. Với vị trí đắc địa, nơi đây được nhiều người dân địa phương ví von là khu đất “vàng”.
Thế nhưng, khoảng hơn 5 năm qua, khu đất chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả. Hiện xung quanh khu đất được rào chắn sơ sài bằng hàng rào thép gai; bên trong, các loại cây dại mọc um tùm. Ông Phạm Văn Lợi, trú thôn 1, xã Bình Nghi, tiếc nuối: “Khu đất rộng, vuông vắn, nằm ngay mặt tiền QL 19 nhưng không hiểu sao bấy lâu nay lại để hoang, không chỉ gây lãng phí mà còn khiến môi trường bị ô nhiễm. Bởi nhiều người thấy đất bỏ hoang nên tha hồ vứt rác và xác súc vật vào đây”.
Qua tìm hiểu được biết: Toàn bộ tài sản trên đất thuộc Kho thóc cũ của Công ty CP lương thực Bình Định đã được Công ty TNHH Việt Úc (Công ty Việt Úc) mua lại cách đây khoảng 5 năm. Đồng thời, trước đây, UBND huyện Tây Sơn cũng đã có chủ trương cho Công ty Việt Úc thuê diện tích đất tại Kho thóc cũ làm địa điểm thực hiện Dự án mua bán, cung cấp các loại ô tô, ô tô chuyên dùng.
Tuy nhiên, đến nay, Công ty Việt Úc chưa tháo dỡ tài sản trên đất để giao trả mặt bằng cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định, dù UBND huyện Tây Sơn đã nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu.
Ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, cho biết: “Năm 2018, các sở, ngành của tỉnh có về địa phương làm việc, bàn phương án cho các đơn vị, DN đấu giá khu đất Kho thóc cũ để khai thác, sử dụng nhưng đến nay chưa có kết quả. Ở góc độ địa phương, chúng tôi mong UBND huyện Tây Sơn và các sở, ngành của tỉnh sớm có biện pháp quy hoạch, khai thác, sử dụng hợp lý để tránh lãng phí đất công”.
Theo bà Nguyễn Thị Thống, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Sơn, thì UBND huyện đã cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan đến khu đất Kho thóc cũ; đồng thời, có văn bản kiến nghị Sở KH&ĐT xem xét, kêu gọi đầu tư tại khu vực này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
VĂN LỰC