Du lịch tiếp đà khởi sắc
Những số liệu đầu năm 2019 và trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã cho thấy, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục khởi sắc và có thể đạt được những cột mốc mới trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là cần tận dụng những lợi thế sẵn có, nâng chất lượng dịch vụ và tiếp tục tăng cường quảng bá để phát huy tối đa tiềm năng.
Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Nhật Nam
Những con số biết nói
Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, nhiều điểm đến tại Việt Nam đều tăng trưởng về khách du lịch. Điều này tiếp tục cho thấy sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ ngày 2.2 đến hết 10.2 (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Mậu Tuất đến mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 514.866 lượt, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 162.676 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018; khách du lịch quốc tế lưu trú ước đạt 114.199 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa ước đạt 352.190 lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.039 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong dịp Tết 2019, Quảng Ninh đã đón hơn 850.000 lượt khách (tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2018). Trong số này có 170.000 lượt khách quốc tế, tăng 14% so với cùng kỳ. Lượng khách quốc tế lưu trú đạt trên 68.000 lượt. Khách tham quan vịnh Hạ Long đạt 82.268 lượt, tăng 5% so với cùng kỳ, riêng khách quốc tế là 76.847 lượt. Trong khi đó, tổng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng trong dịp Tết cũng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, khách quốc tế tăng 19,9%.
Tại Bình Thuận, ngành Du lịch cũng ước đón 105.000 lượt khách lưu trú, trong đó có hơn 36.000 lượt khách quốc tế, chủ yếu từ Nga, Đức, Trung Quốc... Tổng khách lưu trú dịp Tết Nguyên đán này tăng 22% so với năm 2018. Các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn tỉnh đạt công suất sử dụng phòng bình quân từ 70% đến 90%. Riêng từ ngày mùng 2 Tết đến mùng 6 tháng Giêng, khu vực Hàm Tiến - Mũi Né "cháy" phòng. Còn lượng khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa trong dịp Tết cũng đạt 68.500 lượt, tăng gần 16,9%; khách nội địa 136.500 lượt, tăng 1,6%.
Việc lượng khách du lịch, trong đó có khách quốc tế tăng trưởng được đánh giá là do du lịch Việt Nam đang trong đợt cao điểm, nhất là các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận xét, các điểm đến tại Việt Nam đều đang chuyển mình mạnh mẽ, từ đó tạo nên sức hút với du khách.
Phát huy thế mạnh để bứt phá
Năm 2018, lần đầu tiên du lịch Việt Nam đạt mốc 15,6 triệu lượt khách quốc tế. Đây là thành công đáng kể của ngành Du lịch Việt Nam khi năm 2015 mới có 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung lí giải: “Trong vòng 3 năm 2015-2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt gần 30%/năm. Chính vì vậy, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh tại Hội nghị Toàn cầu, đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách cao nhất; được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới WTA trao giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” 2018 cùng với nhiều giải thưởng danh giá dành cho các doanh nghiệp lữ hành, khu nghỉ dưỡng và khách sạn sang trọng bậc nhất thế giới tại Việt Nam. Như vậy có thể thấy, du lịch Việt Nam đang chuyển sang thời kỳ phát triển mới, vươn mình hội nhập quốc tế với các giá trị từng bước được ghi nhận”.
Vì vậy, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu năm 2019 đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong tổng số 103 triệu lượt khách. Nếu hoàn thành mục tiêu này, ngành Du lịch sẽ về đích sớm một năm về chỉ tiêu khách du lịch như Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để đạt được con số này phải có căn cứ cụ thể, trong đó sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, sức hút từ các sự kiện tại Việt Nam đang là thuận lợi đáng kể. Như tại Quảng Ninh, việc đưa sân bay Vân Đồn vào hoạt động được dự báo sẽ tăng đáng kể lượng du khách. Ngoài ra, hệ thống cảng tàu du lịch cũng được đầu tư nên sẽ thu hút nhiều khách cao cấp chọn lựa du lịch bằng tàu biển.
Còn tại Đà Nẵng, một số đường bay quốc tế mới đưa vào khai thác như: Incheon (Hàn Quốc) - Đà Nẵng, Busan (Hàn Quốc) - Đà Nẵng, Daegu (Hàn Quốc) - Đà Nẵng, Osaka (Nhật Bản) - Đà Nẵng, Bangkok (Thái Lan) - Đà Nẵng, Doha (Qatar) - Đà Nẵng… được dự báo sẽ góp phần tăng lượng khách quốc tế đến đây.
Tại Hà Nội, việc đăng cai những sự kiện thể thao lớn như Giải Đua xe công thức I (năm 2020), SEA Games lần thứ 31 (năm 2021) ngay từ bây giờ đã làm tăng sức hút của điểm đến Hà Nội, và điều đó có thể được hiện thực hóa ngay trong năm 2019. Rồi việc Hà Nội được Tổng thống Mỹ tuyên bố chọn làm địa điểm cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - CHDCND Triều Tiên lần thứ hai vào cuối tháng này cũng được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích về quảng bá hình ảnh và du lịch cho Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội cũng nhận thức rõ là phải có nhiều sản phẩm du lịch hơn để hấp dẫn và tăng mức chi tiêu của du khách. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet nhận xét: “Trong 1-2 năm qua, đã có nhiều thay đổi về việc xây dựng, làm mới sản phẩm du lịch để phục vụ khách tại Hà Nội. Việc có nhiều sản phẩm hơn đã mang đến nhiều lựa chọn cho du khách, giúp họ lưu trú lâu hơn ở Hà Nội và đương nhiên tổng thu từ du lịch cũng tăng theo”.
Rõ ràng, với những điều kiện nêu trên, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được chỉ tiêu về số lượng khách trong năm 2019. Vấn đề là phải khai thác thêm các nguồn khách khác, trong đó chú trọng đến khách chi tiêu nhiều để tổng thu cao hơn và du lịch phát triển bền vững hơn.
Đặc biệt là phải quan tâm tới lưu ý của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Cần lượng khách đông, nhưng cũng phải chú trọng đến chất lượng khách, đến sự phát triển bền vững về môi trường, văn hóa. Chỉ như vậy thì chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch mới phát huy hết ý nghĩa”.
Theo MINH AN (HNM)