Tiếp sức cho làng nghề
Những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự tự thân vận động của người dân làng nghề trong việc đổi mới sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhiều làng nghề truyền thống trong tỉnh đã từng bước phục hồi và phát triển.
Làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (TX An Nhơn) hoạt động ổn định.
Theo Phòng Kinh tế TX An Nhơn, toàn thị xã hiện còn 19/24 làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả. Hàng năm, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, TX An Nhơn sử dụng nguồn kinh phí khuyến công, kinh phí khoa học - công nghệ 700 - 800 triệu đồng để hỗ trợ các làng nghề về thiết bị sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá sản phẩm... nhằm giúp các làng nghề phát triển ổn định.
Anh Bùi Thanh Đạm, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, chia sẻ: “Cách đây 6 năm, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng để mua máy tráng bánh tráng trị giá 100 triệu đồng. Từ ngày có máy, mỗi ngày 4 lao động trong gia đình làm được 160 ràng bánh tráng (20 bánh/ràng), hiệu quả tăng thấy rõ”.
Chị Phạm Thị Như Thủy, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Thủy Thảo, ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Thọ, cho hay: “Ngoài sự quan tâm của Nhà nước đầu tư cho làng nghề về cơ sở hạ tầng, hầu hết các cơ sở ở đây cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất; tự thân vận động tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm”.
Theo ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thành (huyện Tây Sơn), làng nghề bánh tráng Kiên Long đã được tỉnh công nhận, hiện làng nghề có trên 50 cơ sở, hộ gia đình với khoảng 200 lao động làm nghề tráng bánh tráng, tập trung tại thôn Kiên Long và Kiên Ngãi, sản phẩm tiêu thụ cả miền Trung - Tây Nguyên. Người dân làm nghề cũng đã tự đầu tư máy tráng bánh, nâng cao hiệu quả sản xuất. Xã cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí, vận động nhân dân cùng đóng góp để làm đường bê tông vào làng nghề giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng hơn.
Hoài Nhơn hiện có 4 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận, gồm: làng nghề sản xuất các sản phẩm từ cói Hoài Châu Bắc (xã Hoài Châu Bắc); làng nghề sản xuất các sản phẩm từ cói Tam Quan Bắc (xã Tam Quan Bắc); làng nghề dệt thảm xơ dừa và làng nghề sản xuất bún số 8, bánh tráng các loại Tam Quan Nam (xã Tam Quan Nam).
Theo ông Trần Đình Tổng, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, bên cạnh việc hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể Chuối mốc Hoài Sơn (xã Hoài Sơn), Trứng vịt lộn Hoài Mỹ (xã Hoài Mỹ), nhãn hiệu chứng nhận Cá chuồn mẳn Hoài Nhơn. Năm 2019, huyện Hoài Nhơn sẽ tiếp tục hỗ trợ các xã xây dựng đường giao thông, cổng chào tại các làng nghề; tiếp tục đăng ký chứng nhận các nhãn hiệu tập thể, như: yến sào Hoài Nhơn, dầu phụng Hoài Nhơn, dừa Hoài Nhơn… nhằm phát triển các sản phẩm có lợi thế theo hướng gia tăng giá trị, phát triển du lịch sinh thái gắn liền với làng nghề truyền thống.
Với TX An Nhơn, ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã, cho biết: “Năm 2019, thị xã sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giai đoạn 1) tại làng nghề rượu Bàu Đá, điểm sản xuất tập trung làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, cơ sở vật chất làng rèn Tây Phương Danh, quy hoạch làng nghề phát triển cây mai vàng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các làng nghề khác đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất… nhằm phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch”.
Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), cho hay: “Những năm qua, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chương trình khuyến công hỗ trợ thiết bị sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, xúc tiến thương mại… giúp các cơ sở, hộ sản xuất tại các làng nghề ứng dụng tiến bộ KHKT, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, từng bước hoạt động ổn định và phát triển”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN