Ðòi quyền lợi cho người lao động
Thời gian qua, một số DN, nhất là các DN tư nhân vì nhiều lý do khác nhau đã thực hiện không đúng, đầy đủ chế độ, chính sách với người lao động. Phổ biến là cho nghỉ việc nhưng không trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm không nâng lương hoặc không trả tiền tăng ca theo đúng quy định của pháp luật, nợ lương, nợ BHXH… gây thiệt thòi cho người lao động. Tuy nhiên, nhờ có Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Ðịnh (LÐLÐ tỉnh) mà quyền lợi chính đáng, hợp pháp của không ít người lao động đã được bảo vệ.
Trợ giúp NLĐ đòi quyền lợi
Ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Định, cho rằng phần lớn các vụ tranh chấp lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua là do người sử dụng lao động cố tình né tránh không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động (NLĐ), chưa tuyên truyền, vận động, giải thích cho NLĐ hiểu để tạo sự đồng thuận và chia sẻ khó khăn giữa người sử dụng lao động và NLĐ, dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện, gửi đơn thư vượt cấp. Đặc biệt, có một số DN khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình về chi trả các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm bắt buộc cho NLĐ và chốt trả sổ BHXH không kịp thời, làm cho NLĐ không nhận được sổ BHXH để làm các thủ tục hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc theo quy định của pháp luật, dẫn đến việc tranh chấp lao động giữa NLĐ với người sử dụng lao động.
Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Định tư vấn cho NLĐ để đòi lại quyền lợi do DN thực hiện không đầy đủ.
Theo ông Tài, chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm đã thực hiện tư vấn 43 vụ việc cho 71 NLĐ; trong đó tư vấn trực tiếp 37 vụ việc và gián tiếp 6 vụ việc. Trong 37 vụ việc tư vấn trực tiếp bao gồm: về tiền lương 5 vụ, trợ cấp thôi việc 22 vụ, thôi việc 5 vụ, tai nạn lao động 4 vụ và hợp đồng lao động 1 vụ. Trong quá trình tư vấn pháp luật, Trung tâm đã kịp thời hỗ trợ NLĐ được nhận lại làm việc 1 người; trợ giúp 3 NLĐ bị tai nạn lao động nhận được số tiền bồi thường từ DN và chế độ tai nạn lao động từ BHXH với tổng số tiền 136 triệu đồng; 3 NLĐ nhận được 22,5 triệu đồng tiền trợ cấp thôi việc; chốt sổ cho 20 NLĐ kịp thời nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với đơn vị có liên quan của LĐLĐ tỉnh giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể, buộc DN đóng trên 60 triệu đồng BHXH cho 1 trường hợp; chốt sổ, trả sổ BHXH 1 trường hợp và nhắc nhở các DN quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho NLĐ. Trung tâm trực tiếp đang đại diện NLĐ đứng ra khởi kiện 5 vụ án tranh chấp lao động.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm cũng tư vấn cho một số trường hợp đang làm việc ở DN chế biến gỗ chốt sổ BHXH để được hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiền trợ cấp thôi việc; hiện đang tư vấn cho 3 trường hợp khác để đòi quyền lợi vì DN nợ tiền lương và chốt sổ BHXH.
Giúp NLĐ ý thức tự bảo vệ
Ông Nguyễn Hữu Tài cho biết thêm, qua theo dõi thì hiện nay phần đông NLĐ làm việc tại các DN tư nhân vẫn chưa có ý thức tìm hiểu, tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật cần thiết để bảo vệ quyền lợi. Trong khi đó, chủ sử dụng lao động, dù biết việc mình làm là trái quy định pháp luật, vẫn cố tình lách luật, không thực hiện các nghĩa vụ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của NLĐ. Nhưng khi xảy ra khiếu kiện, tranh chấp với NLĐ, hầu hết đều bao biện theo kiểu “không biết quy định là như thế”. Vì vậy, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai bên, NLĐ cũng cần phải nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của mình để tự bảo vệ khi cần thiết. Do vậy, thời gian qua, Trung tâm đã đa dạng hóa các hình thức tư vấn pháp luật phù hợp với NLĐ như tư vấn trực tiếp tại trung tâm, tư vấn gián tiếp qua điện thoại, Email, tư vấn tại DN, tư vấn lưu động tại Khu công nghiệp Phú Tài, Khu công nghiệp Long Mỹ. Trung tâm còn phối hợp với Công đoàn Khu kinh tế tỉnh tuyên truyền pháp luật có liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Luật BHXH, BHYT để NLĐ có đầy đủ kiến thức tự bảo vệ mình, tránh trường hợp bị chủ sử dụng lao động thực hiện không đầy đủ chế độ, chính sách hoặc nếu quyền lợi bị xâm hại thì cũng biết cách khiếu nại để đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân.
PHẠM PHƯƠNG