Hoạt động ngân hàng năm 2019: Nâng cao chất lượng tín dụng
Năm 2018, vượt qua những khó khăn, trở ngại, hoạt động của ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần phát triển KT - XH của địa phương. Năm 2019, ngành xác định phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng từ 13-15%.
Để đạt được mục tiêu trên, các ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, nỗ lực xử lý nợ xấu...
Từ điển hình Ngân hàng TMCP Quân đội
Ông Hoàng Thanh Vĩnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Bình Định (MB Bình Định) vui vẻ cho biết: Năm 2018 là một năm “đại thành công” của Chi nhánh. Theo đó, năm 2018, dư nợ của MB Bình Định đạt 114,3% kế hoạch, tăng gần 22% so với năm 2017; doanh thu từ dịch vụ tăng 220% so với năm 2017; doanh thu thuần tăng 141,4% so với năm 2017; nợ xấu giảm chỉ còn 0,66%; thu nhập của cán bộ, nhân viên tăng 29% so với năm 2017… Với kết quả trên, MB Bình Định là 1 trong 17 chi nhánh trong toàn quốc được Hội đồng quản trị công nhận “Đơn vị xuất sắc năm 2018”.
Chi nhánh MB Bình Định là một trong số những TCTD trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả.
- Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh MB Bình Định.
Chi nhánh MB Bình Định chỉ là 1 trong những TCTD tiêu biểu trên địa bàn năm 2018 đã nỗ lực vượt khó và đạt được kết quả khả quan. Theo ông Phan Phú Hải, Giám đốc NHNN - Chi nhánh tỉnh Bình Định, năm 2018, hoạt động NH, TCTD trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, nhất là chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve System -FED) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới… Tuy nhiên, nhiều TCTD trên địa bàn đã nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường mở rộng các dịch vụ tiện ích và tích cực xử lý nợ xấu. Kết quả, tính đến 31.12.2018, tổng vốn hoạt động của toàn hệ thống là 85.327 tỉ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Trong số này, phần huy động tại địa phương là 56.842 tỉ đồng, tăng trên 14%. Về sử dụng vốn, trong năm 2018, doanh số cho vay là gần 116 ngàn tỉ đồng (tăng 27%), doanh số thu nợ là gần 109 ngàn tỉ đồng (tăng gần 29%); tổng dư nợ đến 31.12.2018 là 68.243 tỉ đồng (tăng gần 12%)...
Đáng lưu ý là hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu, theo ông Phan Phú Hải, tính đến 31.12.2018, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn là 602 tỉ đồng, giảm gần 31% so với đầu năm, chiếm tỉ lệ 0,88% so với tổng dư nợ trên địa bàn, thấp hơn rất nhiều so định hướng đề ra từ đầu năm (dưới 3%/năm). Cụ thể, tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý được trong năm 2018 là 1.132 tỉ đồng. Đối với xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14, năm 2018 đã xử lý hơn 5.020 tỉ đồng.
Nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu
Trao đổi với PV báo Bình Định, ông Hoàng Thanh Vĩnh cho biết: Trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2018, MB Bình Định đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Theo đó, Chi nhánh xác định: Năm 2019, phấn đấu đạt tăng trưởng dư nợ 15%; doanh thu tăng 40% so với năm 2018.
Còn theo ông Phan Phú Hải, Chi nhánh NHNN tỉnh đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, trong đó xác định: Phấn đấu đưa nguồn vốn huy động tăng từ 13-15% so với cuối năm 2018; tăng trưởng tín dụng đạt từ 13-15% so với cuối năm 2018; kiểm soát và duy trì nợ xấu dưới 2% trên tổng dư nợ.
Nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kế hoạch năm 2019, MB Bình Định đã đề ra một số giải pháp, trong đó xác định rõ: Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, gia tăng các sản phẩm dịch vụ tiện ích theo công nghệ số và trên môi trường trực tuyến; phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, Hải quan để đẩy mạnh công tác thu hộ ngân sách Nhà nước, thu hộ tiền điện, tiền nước… Đồng thời, Chi nhánh tiếp tục đồng hành cùng các DN nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng lưu ý, song song với việc nâng cao chất lượng tín dụng, trong năm 2019, MB Bình Định sẽ tích cực triển khai công tác xử lý nợ xấu, phấn đấu hạn chế tỉ lệ nợ xấu ở mức 0,7%.
Ông Phan Phú Hải cho biết, thực hiện phương hướng, mục tiêu năm 2019, Chi nhánh NHNN Bình Định đã đề ra 17 nhiệm vụ, giải pháp đối với Chi nhánh (8) và các TCTD (9). Theo đó, Chi nhánh sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14, triển khai hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2019 góp phần hỗ trợ công tác cơ cấu lại, xử lý nợ xấu.
Đối với các TCTD, năm 2019 cần thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tích cực triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tiến hành khởi kiện, phát mãi tài sản bảo đảm.
VIẾT HIỀN