Nét mới trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2019
"Ðến hẹn lại lên", cứ vào dịp Rằm Nguyên tiêu hằng năm, Ngày Thơ Việt Nam lại diễn ra đáp ứng sự mong chờ của giới văn chương và công chúng yêu thi ca, nghệ thuật. Tết kỷ hợi năm nay, lần đầu hoạt động này được tổ chức với quy mô lớn, bao gồm ba sự kiện: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ ba và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17.
Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam năm 2018. Ảnh: PHẠM QUÝ
Nhiều sự kiện hấp dẫn, sôi động
Ðó là mục tiêu và kỳ vọng của Ban tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm nay, khi thời gian tổ chức được kéo dài tới gần một tuần từ ngày 15 đến 21.2 (tức từ ngày 11 đến 17 tháng Giêng); quy mô được mở rộng thành ba sự kiện lớn, trong đó, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ ba là sự tiếp nối thành công của Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất và thứ hai, phát triển hơn với sự tham gia của nhiều đại biểu quốc tế. Ðến với sự kiện Ngày Thơ năm nay, sẽ có khoảng 200 đại biểu từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, là những nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu, hoạt động xuất bản, truyền thông… tiêu biểu cho nền văn học đương đại của các nước. Có thể kể đến một số tên tuổi quen thuộc, từng có nhiều đóng góp cho văn học, văn hóa Việt Nam như các nhà thơ Phéc-nan-đô-ren-đôn (Cô-lôm-bi-a), Chủ tịch Hội Nhà văn Á-Phi và Mỹ la-tinh; Búc-guây (Mỹ) - Giải thưởng Pu-lết-dơ; Va-đim Tê-lê-khin, đồng Chủ tịch Hội Nhà văn Liên bang Nga; Lý Khôi Hiền (Ðài Loan, Trung Quốc), người từng được đề cử Giải thưởng Nô-ben; An Quan Van (Hàn Quốc), người dịch tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Hàn Quốc…
Như thường lệ, Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, và sự kiện Ngày Thơ Việt Nam chính thức do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại ba địa phương là Hà Nội, TP Hạ Long (Quảng Ninh) và TP Bắc Giang (Bắc Giang); với nhiều hoạt động phong phú, sôi động. Mở đầu, là Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư, được khai mạc trọng thể vào ngày 16.2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Chiều cùng ngày, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam sẽ tham gia tọa đàm với chủ đề Văn học Việt Nam - Sức sống của một dân tộc yêu hòa bình; giao lưu và đọc thơ cùng sinh viên hai trường đại học Văn hóa và Sư phạm với chủ đề Trên đôi cánh thơ ca. Sáng ngày 17.2 (tức ngày 13 tháng Giêng), Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 được khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) với chủ đề chính Sông núi trên vai, hướng về biên cương, biển đảo của Tổ quốc và kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc (17.2.1979 – 17.2.2019). Tối cùng ngày, tại đây sẽ diễn ra Dạ hội thơ quốc tế. Ngày 18-2 (tức ngày 14 tháng Giêng), các đại biểu được gặp gỡ lãnh đạo Ðảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch, tham quan Vịnh Hạ Long và tham dự Ðêm thơ quốc tế tại TP Hạ Long. Ngày 19.2 (tức ngày Rằm tháng Giêng), đại biểu tham dự Lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam tại thành Xương Giang, TP Bắc Giang với chủ đề Người Kinh Bắc…
Chú trọng quảng bá văn học Việt Nam
Ngày Thơ Việt Nam năm nay không chỉ hạn hẹp ở lĩnh vực thơ ca mà còn hướng đến mở rộng biên độ cả văn xuôi, nghiên cứu, dịch thuật…; đặc biệt là mục tiêu giới thiệu quảng bá, đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phấn khởi cho biết, nếu ở những hội nghị, liên hoan quốc tế trước, chúng ta chưa xuất bản được các tác phẩm song ngữ Việt - Anh để giới thiệu, quảng bá văn học thì năm nay đã biên soạn, hoàn thành được ba tác phẩm: 10 thế kỷ văn học Việt Nam của Phong Lê, Tuyển tập thơ Việt Nam Sông núi trên vai gồm 44 tác giả và Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại Một loài chim trên sóng gồm 22 tác giả. Ðiều này rất quan trọng vì mọi cuộc trao đổi, tìm hiểu qua tọa đàm, hội thảo cũng không thể bằng đọc trực tiếp. Dù lượng tác phẩm trong sách còn ít song qua đó các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu nước ngoài có thể khái lược được chân dung cơ bản của văn học Việt Nam; tự liên hệ với các tác giả họ thấy phù hợp để giới thiệu. Bên cạnh đó, các trao đổi, hội thảo về văn học cũng được đan cài trong nội dung hoạt động, như tại chương trình giao lưu giữa các đại biểu trong nước và quốc tế với sinh viên đại học; hội thảo trong khuôn khổ hội nghị quảng bá văn học… Ðặc biệt, đêm Dạ hội thơ quốc tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào buổi tối ngày khai mạc Ngày Thơ Việt Nam là điểm nhấn quan trọng, giúp các nghệ sĩ quốc tế cảm nhận không khí truyền thống, văn hóa đậm đà bản sắc Việt thông qua thơ ca.
Ðánh giá về hoạt động quảng bá văn học tại Ngày Thơ Việt Nam năm nay, các nhà thơ Trần Ðăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều cùng bày tỏ hy vọng, từ sự tiếp cận đời sống văn học Việt Nam của nhiều văn nghệ sĩ trên thế giới vào dịp này sẽ có khả năng đi đến những kết nối thực tế, cụ thể hơn giúp các nhà văn Việt Nam đẩy mạnh hoạt động dịch thuật, xuất bản và đưa tác phẩm ra thế giới. Hoạt động tổ chức các sự kiện văn học, văn hóa liên hoàn; chuẩn bị các sản phẩm văn học tiêu biểu, cụ thể chính là những cố gắng để chúng ta từng bước chuyên nghiệp hơn, có tác động tích cực giúp hoạt động quảng bá văn học có nhiều triển vọng và đạt hiệu quả trong tương lai.
Theo Liên Mai (NDĐT)