An Lão nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn
Mới đây, có dịp ghé thăm mô hình trồng rau sạch của bà con nông dân thôn Tân Lập, xã An Tân, huyện An Lão, tôi đã rất ấn tượng với nhiều loại rau, củ xanh mướt như: cải, dưa leo, dưa lê, bí đỏ, khổ qua, khoai lang, đậu các loại... cùng hệ thống tưới tiêu hiện đại.
Một ruộng khổ qua của người dân trong Dự án quy hoạch vùng rau an toàn của xã An Tân.
Cánh đồng kể trên của 12 nông hộ thôn Tân Lập, rộng 2 ha, nằm trong Dự án quy hoạch vùng rau an toàn của xã. Tham gia dự án, các hộ được huyện hỗ trợ về giống, phân bón, bạt phủ với tổng trị giá hỗ trợ là 68 triệu đồng. Ngoài ra, cán bộ nông nghiệp huyện còn hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất rau an toàn.
Nhờ thực hiện đúng theo hướng dẫn nên rau phát triển tốt, nhiều đơn vị, DN, trường học trên địa bàn đã đặt mua rau của mô hình, cùng đó, nhiều nông hộ chủ động đưa rau ra chợ, tìm mối tiêu thụ lâu dài.
Bà Võ Thị Lệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân cho biết, một số hộ trồng dưa chuột đã thu hoạch đợt đầu kịp bán trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Mỗi sào dưa chuột cho thu hoạch bình quân 3 - 3,5 tấn, bán với giá khoảng 8.000 - 12.000 đồng/kg, cho lợi nhuận khoảng 3 - 4 triệu đồng. Tết vừa qua, một số hộ phấn khởi nhờ dưa chuột được giá.
Ngoài mô hình trồng rau sạch ở xã An Tân, nhiều thôn khác ở huyện An Lão cũng đã triển khai một số mô hình tương tự. Sau các lớp tập huấn kỹ thuật do các ban, ngành chức năng trong huyện tổ chức, nhiều hộ đã cải tạo đất, chuyển đổi diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng rau. Hiện nay, số nông dân nắm chắc kiến thức, kỹ thuật chăm sóc rau an toàn ngày càng nhiều. Hệ thống kênh, mương dẫn nước phục vụ cho các cánh đồng rau cũng được đầu tư xây dựng kiên cố, giúp người trồng rau có thể sản xuất nhiều vụ trong năm.
Được biết, huyện An Lão đang khuyến khích nông dân học tập, nhân rộng các mô hình trồng rau an toàn, góp phần nâng cao thu nhập, thay đổi tập quán sản xuất. Huyện cũng chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ dân tận dụng đất bãi bồi ven sông, cải tạo vườn tạp và chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rau an toàn vừa chủ động được rau sinh hoạt, tăng thu nhập, vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
DIỆP THỊ DIỆU