Khuyến khích thành lập tổ chức hành nghề công chứng ở các huyện miền núi
Thực hiện Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tỉnh Bình Định đã thành lập được 12 tổ chức hành nghề công chứng (3 phòng công chứng và 9 văn phòng công chứng), phân bổ tại 7/11 đơn vị hành chính cấp huyện.
Giải quyết yêu cầu công chứng cho khách hàng tại Văn phòng Công chứng AB (TP Quy Nhơn).
Theo Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, đến mốc thời gian này tại tỉnh Bình Định có 24 tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 quy hoạch 15 tổ chức, giai đoạn 2016 - 2020 quy hoạch 9 tổ chức. Như vậy, đến năm 2020, tỉnh phải thành lập thêm 12 tổ chức hành nghề công chứng. Đây thật sự là một nhiệm vụ khó khăn.
Theo ông Lê Minh Tài - Trưởng phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp), kể từ ngày 1.1.2019, Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, trong đó nhiều quy định liên quan đến quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng được sửa đổi, bổ sung. Việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải theo quy định của Luật Công chứng, các văn bản pháp luật khác có liên quan và tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập văn phòng công chứng của UBND tỉnh.
Thêm vào đó, công chứng là ngành nghề đặc thù, cần được quy định chặt chẽ hơn các hoạt động kinh doanh thông thường. Bởi lẽ, việc thành lập văn phòng công chứng được điều chỉnh theo luật chuyên ngành là Luật Công chứng, không phải theo Luật Doanh nghiệp. “Khi phát triển tổ chức hành nghề công chứng cần theo hướng chuyên nghiệp hóa, quy mô lớn, số tổ chức hành nghề công chứng phân bổ đồng đều, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Tài nói.
Hiện nay, các văn phòng công chứng đã thành lập chủ yếu tập trung ở TP Quy Nhơn và các địa phương lân cận, còn 3 huyện miền núi Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh chưa có văn phòng nào. Do đó, cần ưu tiên, khuyến thích thành lập tổ chức hành nghề công chứng ở các huyện này.
MAI LÂM