Nâng cao chất lượng xét xử
Ðảm bảo các phán quyết của Tòa án luôn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm là những mục tiêu chính được TAND hai cấp đặt ra trong năm 2019 để ngày càng nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án và đảm bảo quyền con người.
Một phiên xét xử tại TAND TP Quy Nhơn.
Năm 2018, TAND hai cấp đã thụ lý 858 vụ với 1.698 bị cáo; xét xử 821 vụ với 1.465 bị cáo, đạt tỉ lệ 95,6% (so với cùng kỳ thụ lý tăng 57 vụ, xét xử tăng 20 vụ). Đáng chú ý, số vụ án xét xử bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán chỉ chiếm 0,3%, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,4%.
Thời gian qua, TAND hai cấp đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng sớm hoàn tất hồ sơ để đưa các vụ án ra xét xử trong thời hạn luật định. Đặc biệt, việc tranh tụng tại các phiên tòa được chú trọng, như không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Trên cơ sở kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ, củng cố niềm tin vào công lý.
Đơn cử như vụ án Hồ Minh Khiêm phạm tội nhận hối lộ. Bị cáo Khiêm cho rằng bản thân bị “gài bẫy”, đồng thời đề nghị xem xét tội vu khống của DN đã “gài bẫy” mình. Tuy nhiên với những chứng cứ và phần tranh tụng công khai giữa các bên tại tòa, Hội đồng xét xử đã thống nhất mức án 8 năm tù giam đối với bị cáo Khiêm.
Hoặc như vụ án Lê Văn Thiệt cùng đồng bọn phạm tội hủy hoại rừng đều cho rằng, mình phạm tội là do... không bị nhắc nhở. Cuối cùng, các bị cáo cũng thừa nhận hành vi sai trái của mình với mức án từ 7 năm đến dưới 12 năm tù giam...
Với những vụ án này, hình phạt mà TAND hai cấp tuyên đối với các bị cáo bảo đảm nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội.
Không chỉ đối với các vụ án hình sự mà cả các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã làm tốt công tác hòa giải, hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu. Trong phiên tòa dân sự trước đây, trong phần xét hỏi tranh tụng, chủ tọa là người điều hành phiên tòa và xét hỏi trước, sau đó đến hội thẩm, viện kiểm sát, luật sư rồi mới đến người tham gia tố tụng (nguyên đơn, bị đơn và những người liên quan). Nhưng theo Luật Dân sự 2015, các đương sự được quyền trình bày trước dưới sự chủ trì của chủ tọa, sau đó mới tới hội đồng xét xử hỏi, theo tinh thần đúng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục phát huy
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của ngành Tòa án, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã chỉ đạo ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp; trong đó đảm bảo các phán quyết của Tòa án luôn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, bảo vệ công lý, đảm bảo quyền con người, quyền công dân; giảm tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Ngành Tòa án cũng đã xác định rõ phán quyết của hội đồng xét xử dựa trên chứng cứ, tài liệu được cung cấp, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa nhằm bảo đảm bản án tuyên khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, có tính thuyết phục cao. Do đó, bên cạnh việc đảm bảo yêu cầu xử đúng người, đúng tội, TAND hai cấp trong tỉnh còn tăng cường đưa các vụ án ra xét xử lưu động tại các địa phương, nơi xảy ra vụ án hoặc các địa bàn trọng điểm; tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm.
Chánh án TAND tỉnh Đặng Công Lý cho biết, ngành đã chủ động đề ra một số giải pháp cơ bản, mang tính đột phá. Trong đó, tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật. Chú trọng công tác hòa giải trong giải quyết án dân sự và đối thoại trong giải quyết án hành chính. “Chúng tôi sẽ tập trung làm tốt công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân; chú trọng công tác tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho TAND hai cấp. Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo, điều hành theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả; phân công hợp lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm và quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các loại án”, ông Lý nói.
K.ANH