Chuyên canh hoa, tại sao không?
Với các làng hoa ở huyện Tuy Phước, như: Bình Lâm (xã Phước Hòa), Biểu Chánh, An Cửu, Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng), Xuân Mỹ, Tuân Lễ, Tú Thủy (xã Phước Hiệp)… việc hình thành một vùng chuyên canh hoa không chỉ trong vụ tết đang được nhen lên.
Làng hoa Bình Lâm (Phước Hòa, Tuy Phước). Ảnh HOÀNG TUẤN
Hai loại hoa truyền thống là cúc đại đóa và cúc pha lê được các nhà vườn ở huyện Tuy Phước trồng với số lượng lớn, cung ứng ra thị trường đúng dịp Tết hàng năm. Nghề trồng hoa đã mang lại cho người dân nơi đây lợi nhuận từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng và cuộc sống sung túc.
Ông Phan Đình Muộn, một hộ trồng hoa kỳ cựu ở xóm Bình Đông, thuộc làng hoa Bình Lâm, chia sẻ: “Hồi trước làm ruộng chỉ tạm đủ ăn. Cũng trên diện tích đó từ khi chuyển sang trồng hoa thì đời sống cải thiện, nhà cửa khang trang hơn, cho con đi học tới nơi tới chốn. Nhờ trồng hoa mà cả xóm khá giả”. Được biết, xóm Bình Đông chừng 10 năm trước toàn nhà tranh, vách đất, nhờ trồng hoa bán tết giờ 100% hộ đều có nhà xây, nhà mái bằng khang trang.
Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, tuy là nghề phụ nhưng nhờ trồng hoa nhiều hộ trong xã vươn lên giàu có. Tính đến nay, có hơn 60% số hộ trong thôn theo nghề trồng hoa. Tổng kết vụ hoa tết vừa qua, chỉ tính riêng hoa cúc, bà con trồng gần 100 ngàn chậu, thu nhập ước đạt 8 tỉ đồng.
Không chỉ Bình Lâm, Tuy Phước còn có làng hoa ở Phước Hiệp, Phước Nghĩa và thị trấn Tuy Phước. Ở Phước Hiệp có nhiều hộ dân lấy trồng hoa làm nghề chính, riêng thôn Xuân Mỹ đã có hơn 200 hộ trồng hoa (trên 50% số hộ), hộ ít trồng 0,5 sào, còn nhiều lên đến 7 sào với các giống hoa: cúc, lay ơn, vạn thọ. Hoa bán trong năm trồng trên luống, đến mùa hoa tết thì trồng trong chậu, hoa trong năm là để chi dùng thường xuyên, vụ hoa tết là nguồn tích lũy chính. Các thôn Tuân Lễ, Đại Lễ, Xuân Mỹ, Tú Thủy, nhiều hộ trồng hoa đã thành chuyên nghiệp, sử dụng những giống hoa mới nhất từ các “labô” hoa ở Đà Lạt.
Ngày càng có thêm nhiều người đến các vườn hoa ở xã Phước Hòa tham quan, dạo chơi, mua hoa. Ảnh: XUÂN THỨC
Ông Trình Ngọc Bích, cán bộ khuyến nông xã Phước Hiệp, bộc bạch: Những năm gần đây nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bà con đưa cây hoa vào trồng quanh năm. Trồng hoa tuy là nghề phụ nhưng đem lại lợi nhuận lớn hơn nhiều so với cây lúa.
Theo ông Lê Anh Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, toàn xã có hơn 200 hộ dân các thôn Biểu Chánh, Quảng Nghiệp và An Cửu trồng hoa vụ tết. Mỗi năm làm một vụ nhưng các hộ dân ở đây cũng đầu tư bài bản, như chong đèn dưỡng hoa, áp dụng các kỹ thuật trồng hoa mới. Anh Trần Đình Chu, một người trồng hoa ở thôn An Cửu, thổ lộ: Vụ tết tôi chỉ trồng 300 chậu, không tính công sá thì mỗi chậu cũng lời được 200 ngàn đồng. Coi như là mình tự tạo việc làm cho mình dịp Tết, lại có thêm nguồn thu nhập kha khá.
Nhờ trồng hoa bán tết mà đời sống người dân ngày càng phát triển. Cùng với niềm vui có thu nhập cao, nhiều hộ ở các làng hoa Tuy Phước bày tỏ mong muốn tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ thêm về KHKT như làng hoa Bình Lâm (đã được tỉnh công nhận làng nghề) và thực hiện việc quy hoạch đất trồng hoa để nông dân có điều kiện canh tác ổn định đồng thời hướng đến việc kết hợp khai thác du lịch trải nghiệm.
XUÂN THỨC