Phòng bệnh cảm cúm
Cảm cúm là bệnh rất dễ mắc trong mùa xuân. Bệnh lan truyền từ người bệnh sang người lành bởi những hạt nước bọt nhỏ li ti có chứa virus cúm bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho, hắt hơi.
Sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh cúm, thường thì trong vòng 3 - 4 ngày sau, người tiếp xúc có thể sẽ bị mắc bệnh. Các dấu hiệu của bệnh cảm cúm sẽ xuất hiện sau đó khoảng 1 - 3 ngày. Biểu hiện dễ thấy là mệt mỏi, sốt, đau đầu. Kế đến người bệnh bị đau rát họng, xuất hiện tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho. Có thể gặp sốt nhẹ trong những ngày đầu, sau đó sốt cao và bệnh có thể kéo dài từ vài ngày đến chục ngày làm cho người bệnh rất khó chịu.
Bệnh cảm cúm thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên những thuốc chống viêm không streoid có thể giúp thông mũi và giảm đau. Các thuốc kháng histamin có thể hỗ trợ điều trị ho do dị ứng. Xi-rô ho, thuốc xịt giảm nghẹt mũi… súc miệng nước muối, viên ngậm họng, uống nước ấm đơn giản hoặc pha với mật ong và chanh cũng có thể làm giảm các triệu chứng.
Những thực phẩm cay có thể là phương thuốc trị ngạt mũi hay một bát súp nóng với hạt tiêu có thể làm thông xoang. Trà nóng có thể thông họng bên cạnh việc giảm ngạt mũi. Nước hầm gà giúp giảm nghẹt mũi.
Dùng vitamin C, chất chống oxy hóa có trong hoa quả họ cam, dâu tây, súp lơ xanh, ớt xanh, củ cải, táo, ổi, khoai tây… giúp tăng cường miễn dịch. Khi bị cảm lạnh, hãy rửa tay thường xuyên, che miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Nghỉ ngơi nhiều và giảm nguy cơ lây bệnh sang người khác.
Vào mùa xuân, mọi người nên giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin C cho cơ thể, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch cảm cúm.
MINH PHƯỢNG