Lĩnh vực sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn: Cần có một “nhạc trưởng”
Nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng tăng; các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn nở rộ. Song, thực tế ghi nhận ở Quy Nhơn hiện nay, các mô hình này còn nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối. Quan sát từ hoạt động sản xuất, kinh doanh rau an toàn của chúng tôi cho thấy, lĩnh vực này đang cần có một nhạc trưởng để dẫn dắt.
Những năm gần đây, tại TP Quy Nhơn xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn (TPAT). Sau một thời gian đi vào hoạt động, hầu hết các cửa hàng duy trì hoạt động kinh doanh chật vật, nhiều cửa hàng tạm đóng cửa, số còn hoạt động được chuyển hướng sang kinh doanh nhiều mặt hàng đi kèm, TPAT chỉ là nhóm sản phẩm theo mùa.
Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, nhiều người tiêu dùng chọn mua sắm thực phẩm an toàn tại các kênh siêu thị, các chuỗi bán lẻ uy tín.
- Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại khu thực phẩm của siêu thị Co.opmart Quy Nhơn.
Khó đủ đường
Chị Trần Linh Thùy, chủ một vườn rau sạch ở Phước Thuận chia sẻ, mô hình của chị là đưa rau an toàn từ nhà vườn trực tiếp tới tay người tiêu dùng, với mức giá vừa phải. Song, khi rau an toàn của nhà vườn vào cửa hàng thực phẩm Greemart (Lý Thường Kiệt), cửa hàng đặc sản - nông sản Song Thủy (Xuân Diệu) thì người tiêu dùng gần như không đón nhận. Vì vậy chị Thùy xoay sang chào bán sản phẩm đến từng hộ gia đình, vận chuyển và giao hàng theo yêu cầu của khách.
“Khi xây dựng mô hình vườn rau an toàn, mong muốn của mình đưa rau ra thị trường để nhiều người có thể tiếp nhận được sản phẩm tốt, giá bán hợp lý. Nhưng đến nay, sản phẩm rau an toàn của nhà vườn vẫn chưa thể cạnh tranh được với rau thông thường ở chợ truyền thống”, chị Thùy cho biết.
Tương tự, chị Trần Thị Hoài Thanh, chủ cửa hàng kinh doanh đặc sản - nông sản Song Thủy tâm sự: “Người tiêu dùng vẫn muốn mua thực phẩm an toàn nhưng lại yêu cầu giá rẻ như rau thường. Nhiều người cho rằng, một túi rau 0,5 kg bán gần 15.000 đồng là quá cao. Với số tiền đó họ có thể mua được 3 mớ rau xanh ở chợ truyền thống. Với ý tưởng ban đầu xây dựng cửa hàng kinh doanh TPAT với mức giá phù hợp, nguồn hàng phong phú, phục vụ người tiêu dùng. Qua thời gian hoạt động, dự án phát triển kinh doanh TPAT tạm dừng để tính toán lại”.
Về phía người tiêu dùng, nhu cầu TPAT ngày càng tăng. Song, nhiều người cho biết, việc mua TPAT chủ yếu dựa vào niềm tin, mối quan hệ quen biết. Thêm nữa, so với thực phẩm truyền thống, nhóm TPAT nghèo nàn về mẫu mã, không hấp dẫn, giá bán quá cao. Trong khi có một bất ngờ là nhiều người dân ở xã Nhơn Hậu lại ngày càng hâm mộ rau an toàn, chấp nhận mức giá cao hơn nhiều so với rau thường bán ở chợ.
Bên cạnh sản xuất đảm bảo, việc tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng là yếu tố quyết định sự thành công đối với người sản xuất, người kinh doanh TPAT.
- Trong ảnh: Để tăng niềm tin cho người tiêu dùng, bên cạnh chào bán sản phẩm, chị Thùy còn tổ chức các buổi tham quan trực tiếp tại vườn rau sạch của gia đình.
Cần sự bao quát, dẫn dắt
Nhu cầu TPAT của người tiêu dùng ngày càng tăng, không chỉ có rau mà còn diễn ra với nhiều sản phẩm khác như: gạo, thịt - gia cầm và gia súc, các loại ngũ cốc, thậm chí gần đây còn có những đơn hàng cá sạch! Song cửa hàng kinh doanh ngành hàng này lại kém bền vững; người sản xuất gặp nhiều khó khăn khi tìm đầu ra cho sản phẩm an toàn. Vì sao nhu cầu tiêu thụ cao, song cả người sản xuất, người kinh doanh đều khó khăn? Nguyên nhân được lý giải là thiếu sự gắn kết giữa người sản xuất - người kinh doanh - người tiêu dùng; thiếu sự bao quát dẫn dắt, hỗ trợ đủ mạnh của cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng thị trường, kiểm định chất lượng, truyền thông.
Ghi nhận thực tế tại các cửa hàng kinh doanh TPAT ở Quy Nhơn, các sản phẩm chưa đầy đủ các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, thông tin xuất xứ. Nhiều cửa hàng bày bán TPAT giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, hoặc tự phong tiêu chuẩn cho sản phẩm của cửa hàng. Trong khi đó, phía chính quyền, cơ quan quản lý cũng chưa có đơn vị cụ thể trực tiếp kiểm tra hoạt động của các cửa hàng kinh doanh TPAT; và người tiêu dùng vừa mua hàng vừa mua niềm tin trong sự hồ nghi giữa thực phẩm bẩn - thực phẩm sạch.
Trong khi nhu cầu về TPAT ngày càng tăng, việc có một đơn vị quản lý bao quát, dẫn dắt, định hướng thị trường để đảm bảo quyền lợi cho cả người sản xuất, người kinh doanh nhằm đảm bảo nguồn hàng đến người tiêu dùng hợp lý là điều cần thiết. Đồng thời phải xây dựng các tiêu chuẩn về chất lượng cho cửa hàng kinh doanh TPAT như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng sản phẩm; xây dựng niềm tin của người tiêu dùng với TPAT thông qua sự giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước với đơn vị sản xuất, đơn vị kinh doanh... Có như vậy, thị trường TPAT mới phát triển ổn định, người tiêu dùng tiếp cận được nguồn TPAT, người sản xuất, người kinh doanh đều hưởng lợi.
THU DỊU