Nâng cao vị thế phụ nữ nông thôn
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở nông thôn có những chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích và nâng cao vị thế của phụ nữ.
Từ khi có chồng chia sẻ công việc, chị Hồ Thị Hóa thấy gia đình hạnh phúc và đời sống tốt hơn.
Từ nhận thức về bình đẳng giới...
Lập gia đình hơn 15 năm, chị Hồ Thị Hóa (43 tuổi, ở thôn Ngọc An Tây, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn) có 2 con và luôn làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ. Chị làm nghề tráng bánh tráng thủ công và không hề có nhận thức gì về chuyện bình đẳng giới (BĐG) trong gia đình. Chị Hóa kể: “Sống ở nông thôn nên điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế, suốt ngày quanh quẩn chuyện bếp núc, con cái. Những chuyện lớn trong nhà một mình chồng quyết hết. Hơn 1 năm qua, tôi được tham gia các hoạt động tập huấn về BĐG nên hiểu biết hơn và thuyết phục chồng cùng tham gia nhóm hộ gia đình nòng cốt thuộc Dự án SNV “Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp năm 2018”. Sau nhiều lần đi họp, tập huấn chương trình, chồng tôi thay đổi nhiều. Giờ thì, chồng tôi hỗ trợ mọi việc từ làm bánh tráng, việc nhà, chăm con... Nhờ thế, tôi đỡ vất vả, thu nhập cao hơn trước”.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong BĐG, những năm qua, Hội LHPN xã Hoài Thanh Tây không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép trong các cuộc họp tổ, các hội, đoàn thể địa phương về Luật BĐG. Qua đó, chị em cũng đã nhận thức sâu hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Ngoài ra, chính họ đã giúp thay đổi nhận thức, suy nghĩ của nam giới về quyền bình đẳng. Chị Trần Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoài Thanh Tây, cho biết: “Bên cạnh đó, các buổi tập huấn, hội thi tuyên truyền pháp luật tại cộng đồng cũng được thường xuyên tổ chức. Tất cả hội viên phụ nữ và nhiều ông chồng được vận động tham gia, đặc biệt các chị em ở xa, điều kiện đi lại khó khăn cũng có mặt. Từ đó, góp phần tăng cường nhận thức về BĐG và bạo lực gia đình”.
Đặc biệt, ở mỗi chi hội phụ nữ của nhiều huyện, thị, thành phố còn thành lập tổ hòa giải làm nhịp cầu gắn kết vợ chồng. Riêng huyện Hoài Nhơn duy trì 25 địa chỉ tin cậy ở 17 xã, thị trấn với 263 thành viên. Trong năm 2018, các địa chỉ tin cậy đã tư vấn 49 trường hợp mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình và tham gia hòa giải thành công 164/219 vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, quyền sử dụng đất...ở địa phương.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch phụ trách Hội LHPN huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: “So với trước đây, BĐG ở nông thôn đã thể hiện ngày càng rõ nét hơn. Nhờ thực hiện nhiều phong trào đến từng thôn mà các chị em nhận thức sâu sắc về BĐG. Khi gặp chuyện không thoả đáng, chị em cùng nhau bày tỏ thông qua tổ hoà giải, không để xảy ra hiểu lầm, mất hạnh phúc gia đình hay gia đình ly tán làm ảnh hưởng đến con cái. Tỉ lệ chị em tham gia công tác xã hội cũng tăng lên. Hằng tháng, tuỳ theo sự kiện, các chị em trong các thôn, xóm lại tập trung cùng nhau quét dọn các tuyến đường, thu gom rác, trồng hoa, cây xanh”.
... đến hoạt động thực tế
Người ta vẫn thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng trong thời đại mới, bên cạnh việc “giữ lửa” trong gia đình, người phụ nữ còn tham gia làm kinh tế. Chị Hồ Nữ Hồng Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Sơn, cho biết: “Những năm qua, công tác BĐG luôn được huyện quan tâm, lồng ghép vào các chương trình phát triển KT-XH, đào tạo nghề, các chương trình vay vốn, tạo việc làm tăng thu nhập… và đã đạt hiệu quả cao. Hiện nay, toàn huyện có gần 5.511 phụ nữ nghèo, khó khăn có nhu cầu cần giúp đỡ đều nhận được sự hỗ trợ. Hội giải ngân số tiền hơn 76 tỉ đồng từ các nguồn vốn; tổng dư nợ Hội đang quản lý hơn 199 tỉ đồng với 8.946 hộ vay. Bên cạnh đó, Hội phối hợp tổ chức 73 lớp tập huấn trồng lúa lai, thâm canh lúa cải tiến, trồng đậu phụng, kỹ thuật trồng rau sạch, kỹ thuật chăn nuôi bò, chăn nuôi an toàn sinh học, vỗ béo bò... có 4.148 chị tham gia; tổ chức 10 lớp sơ cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn, trồng và nhân giống nấm, may công nghiệp có 247 học viên tham gia. Từ những việc làm thiết thực đã giúp nhiều chị em tự tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nâng cao vị thế của mình trong gia đình, xã hội”.
Với mục tiêu nâng cao vị thế về kinh tế và cải thiện đời sống cho phụ nữ, các cấp chính quyền, các tổ chức hội trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, thực hiện đồng bộ nhiều mô hình xóa đói, giảm nghèo; mở các lớp tập huấn, hỗ trợ vay vốn sản xuất… góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện điều kiện sống và sản xuất nhằm giảm dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các vùng.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện BĐG cũng gặp không ít khó khăn. Đó là lối sống an phận của một bộ phận phụ nữ, không nhiệt tình với công tác xã hội; cam chịu không dám lên tiếng khi bị bạo lực, xâm hại hay bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy, mỗi phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Mặt khác, các thành viên trong gia đình và xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội; từng bước nâng cao vị thế của bản thân cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
HẢI YẾN