Chuyện dưới hàng hiên
Truyện ngắn của HÀ VÕ
Chiều đà tắt nắng, từ sở về, Thủy luôn ngả lưng dưới hàng hiên mùa nào thức nấy rào quanh. Bây giờ đang là cữ mướp hương leo, mùi thơm của những búp hoa nưng nức. Mẹ chồng Thủy làm gì cũng khéo, từ làm vườn, trồng tưới, nấu nướng, xếp đặt, thêu thùa. Trước bà là hiệu trưởng trường nữ công, hiểu biết và sâu sắc nức tiếng. Thủy đang mang bầu đứa cháu đầu lòng của bà nên hầu như không phải động tay vào việc gì. Nhiều lúc nghĩ tiếc công bà bày đặt nấu nướng toàn những món công phu, Thủy ăn vào như đổ ra sông ra bể, vẫn cứ mình dây, da trắng xanh, chỉ tóc là xổ ra, vừa dày vừa óng. Thủy định sẽ cắt phăng mái tóc này trước khi đẻ. Mẹ chồng tiếc lắm, có lần gội đầu cho Thủy, nắm mớ tóc bằng hai bàn tay, bà bảo: “Lúc nào cắt nhớ mang về cho mẹ, mẹ bới mớ tóc mướn”.
Thủy thường nằm nán lại trên chiếc sôpha kê bên hàng hiên mỗi chiều, ngóng nhìn ra ánh sáng lờ mờ của buổi tối sắp sụp xuống. Bao giờ cũng vậy, trong bếp lạch cạch tiếng bát đũa, thỉnh thoảng có tiếng máy xe quen thuộc của chồng Thủy chậm rãi dừng ở cổng. Mỗi lần như vậy, Thủy đều gượng dậy, ra mở cổng cho anh. Rồi hai người vừa đi vừa ôm nhau bước vào nhà. Thủy vừa lo sợ vừa mong mỏi giờ khắc ấy mỗi ngày. Đôi lần, mẹ chồng nhìn ra, thấy cảnh tượng này, mặt bà thoáng đanh lại.
* * *
Mẹ chồng bảo các cô người yêu của chồng Thủy trước đây, cô nào cũng đẹp và phóng khoáng, có cô còn định dọn về ở hẳn đây. Chồng Thủy là mẫu hình lý tưởng của các người đẹp, galăng, đàn ông, nhưng anh cũng có những nguyên tắc riêng, nhất là các cô gái không được làm phiền không gian của mẹ con anh. “Chắc chắn nó rất yêu con”, mẹ chồng nói. Ừ! Có lẽ vậy, không những rước Thủy về đây, anh còn làm bà mẹ hằng ngày bận tâm chăm sóc cho cô. Sự xuất hiện của Thủy trong căn nhà có hàng hiên mùa nào thức nấy này còn làm dấy lên một nỗi đau giấu kín.
Mỗi tháng thấy Thủy quằn quại ôm bụng vì đến kỳ con gái, tiếng thở dài của mẹ chồng lại buột lên, buồn bã. Bà mong có cháu bế nhưng mà mỗi một người có làm ra trẻ con được đâu. “Thằng bé vạm vỡ, khỏe mạnh thế, lẽ nào lại...”, một chiều ngồi dưới hàng hiên nhặt rau cùng con dâu, bà ngừng tay, nửa hỏi, nửa hoài nghi. “Không có vấn đề gì đâu mẹ - Thủy ngập ngừng - Hay là con đi khám xem thế nào? Thể chất con vốn không được khỏe mạnh”.
Cái gật đầu của mẹ chồng đã vô tình ngăn một khoảng cách giữa Thủy với bà từ ngày ấy. Đôi khi, người ta đề nghị mà không trông chờ sự đồng ý của người khác. Thủy cảm thấy bị tổn thương, càng trầm trọng hơn khi bác sĩ kết luận, trước mặt cả mẹ chồng rằng Thủy hoàn toàn bình thường, có khả năng thụ thai như bao phụ nữ khỏe mạnh khác. Từ lúc ấy, bỗng dưng Thủy nảy ra ý định trả đũa, một điều quá sức tưởng tượng với một phụ nữ mềm yếu.
Chồng bảo Thủy mang thai mà ỳ quá, sẽ khó sinh nở. “Sao em và mẹ không tản bộ quanh hồ mỗi chiều. Bảo mẹ buổi tối nấu nướng lích kích làm gì, với lại, cái hàng hiên này buồn quá, anh đã định phá bỏ mấy lần mà bà không chịu”. Nghe chồng nói vậy, Thủy bỗng chột dạ.
Trước nay, anh vẫn ân cần nhưng gần đây có chút gì đó khách sáo, xa lạ. Điều này làm Thủy đau lòng, còn đau hơn cái bận mẹ chồng thổ lộ cái ý định tày trời dưới hàng hiên. “Vậy là rõ, lỗi là ở chồng con. Mẹ nghĩ kỹ rồi. Mẹ chỉ có mỗi nó, con cũng là người sống thâm trầm, hiểu biết. Hãy sinh cho mẹ một đứa cháu, chỉ cần là do con sinh ra, bí mật này chỉ mẹ con mình biết với nhau”. Thủy không nói gì, cứ thế lẳng lặng có bầu. Lúc này, mẹ chồng không ra buồn không ra vui, bà chăm chắm chăm nom Thủy như là nghĩa vụ của một bà nội tương lai.
Tháng thứ bảy đi khám, bác sĩ ái ngại: “Bao nhiêu dinh dưỡng dồn hết cho con, con càng to, mẹ càng yếu, càng khó sinh, có lẽ chị nên điều chỉnh chế độ ăn”. Chiều về nằm dưới hàng hiên, Thủy ứa nước mắt. Mẹ chồng rõ là chuyên gia dinh dưỡng còn gì. Bà chỉ cần đứa trẻ khỏe mạnh, còn Thủy có nghĩa lý gì đâu. Thói quen tản bộ đã hình thành được hai tuần thì Thủy tự động bỏ dở. “Anh đang định hằng ngày về sớm đi cùng thì em lại bỏ, đừng có nói là em lại đổi ý nhé”, chồng Thủy trêu vợ.
Thế mà anh làm thật. Nên mỗi chiều về, chỉ mình Thủy trong căn nhà, nằm trên sôpha, ngay dưới hàng hiên. Ong ở đâu về mà lắm thế, cứ vo ve trên những phiến hoa làm Thủy ngủ không yên. Đôi lần, Thủy đã khóc vì bắt đầu cảm thấy sợ khi trời tối sụp xuống trước một cơn giông bất chợt. Lúc này, hàng hiên không còn là một chỗ nương náu nữa mà như một hố sâu, mà Thủy đã lỡ dấn thân vào và không dễ gì thoát.
Lúc vào viện, chỉ có mẹ chồng và Thủy. Chồng đang kẹt công tác ở Thái. Biết sức vóc mình khó sinh nhanh, nhưng Thủy không ngờ lại đau đớn đến vậy. Gần một đêm trắng với những cơn đau triền miên, mẹ chồng đã đồng ý mổ nhưng Thủy không chịu. Cuối cùng, chồng cũng kịp về. Anh nắm chặt tay Thủy, gương mặt thất thần: “Mổ em nhé, em đồng ý đi”. “Không được, bằng cách nào em cũng phải sinh thường, anh có biết sinh mổ con sẽ không khỏe mạnh, phát triển bằng sinh thường không? Anh ra đi, bảo mẹ vào với em”, Thủy hét lên.
Cơ hồ mình kiệt sức, mẹ chồng vừa vào, Thủy bấu chặt lấy tay bà: “Nếu con có làm sao, mẹ gắng chăm sóc cháu nhé. Con nói cho mẹ một bí mật. Đứa bé đích thực là cháu mẹ, con của con trai của mẹ đấy. Chỉ là hơi muộn màng thôi mà. Mẹ lạnh lùng quá, mẹ bắt con đi khám, mẹ làm con phẫn trí đấy, cho nên con cứ im lặng thế thôi. Nhưng mà mẹ bỏ qua hết nhé, mẹ phải chăm cháu thật tốt nhé!”, nói rồi cô hét lên một tiếng rúng động, dồn sức lực toàn thân sinh ra đứa trẻ.
Mẹ chồng đã khóc rất nhiều, rất lâu sau đó, dù có mớ tóc con dâu cho làm tóc mướn, trẻ lại đôi phần, thỉnh thoảng bà vẫn khóc. Khóc vì mừng thôi. Con dâu và cháu bà đều an toàn, khỏe mạnh. Giàn mướp leo đứng đã lúc lỉu quả, bằng đôi bàn tay khéo léo, bà tỉa lá để nắng dọi vào dìu dịu, đậu trên sôpha, nhảy vào cả nơi con dâu và cháu bà đang say giấc chiều muộn.
H.V