40 năm sau ngày 17.2.1979: Gặp lại Pò Hèn, rưng rưng nước mắt
Sáng nay (17.2.2019), tròn 40 năm sau trận đánh Pò Hèn chống quân xâm lược Trung Quốc vào 17.2.1979, đại diện chính quyền, các cơ quan liên quan, đồng đội cũ, người thân và người dân tề tựu về Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP.Móng Cái, để dâng hương tưởng nhớ 86 người con đã hi sinh vì Tổ quốc.
Dâng hương tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Hùng
Nhiều đôi mắt đỏ hoe khi trở lại nơi đồng đội, chồng, cha, người thân…của mình đã ngã xuống trong một trận chiến không cân sức để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Không ít người lần đầu gặp lại nhau sau trận đánh sáng 17.2.1979, cho dù năm nào cứ vào dịp này, nhiều người vẫn về đây thắp hương cho đồng đội.
Nỗi nhớ thương các đồng đội đã hi sinh vẫn chẳng nguôi ngoai với những người ở lại. Ảnh: Nguyễn Hùng
Từ nhiều năm nay, cứ vào ngày mồng 1 âm và ngày rằm hàng tháng, ông Hoàng Như Lý – một trong số ít chiến sĩ biên phòng còn lại sau trận đánh sáng 17.2.1979 – lại từ nhà ở TP.Móng Cái lên đài tưởng niệm Pò Hèn để thắp hương cho các đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi đây.
Đây chính là nơi đã diễn ra trận đánh không cân sức, nhưng đầy oai hùng của các đồng đội ông, của công nhân Lâm trường Hải Ninh và cô gái mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Nỗi đau vẫn đeo đẳng mãi trong ông suốt mấy chục năm qua, bởi chỉ trong một buổi sáng, các đồng đội thân thương của ông lần lượt hi sinh.
Trên tấm bia ghi tên 86 liệt sĩ tại đài tưởng niệm thì có 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng, 27 công nhân Lâm trường Hải Ninh và cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm hi sinh trong trận sáng 17.2.2019; 13 liệt sĩ khác cũng là cán bộ, chiến sĩ của đồn Pò Hèn hi sinh từ sau ngày 17.2.1979 cho đến năm 1991.
Trong dòng người đổ về Pò Hèn hôm nay có bà Nguyễn Thị Thê (SN 1958) – vợ của liệt sĩ Vũ Trọng Hiên (SN 1960) – Hạ sĩ đồn biên phòng Pò Hèn, cùng với con trai duy nhất của bà với người chồng liệt sĩ và cháu nội.
Bà Nguyễn Thị Thê (mặc quân phục) giới thiệu con trai duy nhất của bà với liệt sĩ Vũ Trọng Hiên với đồng đội cũ. Ảnh: Nguyễn Hùng
Bà gặp ông – quê Yên Hưng, nay là thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, năm 1977 sau khi cùng hàng trăm TNXP từ huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đi trên 9 xe khách tiến thẳng ra Pò Hèn, Móng Cái, theo tiếng gọi thiêng liên của Tổ quốc. Cuối năm 1978, hai người nên nghĩa vợ chồng sau một lễ cưới do đơn vị đứng ra tổ chức.
Trong trận đánh sáng 17.2.1979 tại Pò Hèn, bà cùng với các thanh niên xung phong (TNXP) của một lâm trường gần đó trực tiếp tiếp đạn cho chồng cùng đồng đội của chồng đánh trả quân xâm lược. Sau trận đánh, bà cùng 77 TNXP khác và một số cán bộ, chiến sĩ bị quân địch bắt sang Trung Quốc. 8 ngày sau, khi được trả về Pò Hèn, bà mới biết chồng bà Vũ Trọng Hiên đã hi sinh.
Khi ấy, bà đã mang thai vài tháng và trong số tất cả những người hi sinh, liệt sĩ Hiên là người duy nhất để lại mầm sống.
Gần 7 tháng sau khi chồng hi sinh, cậu con trai duy nhất của ông bà – anh Vũ Trọng Hùng – chào đời. Bà ở vậy nuôi con từ đó, trong cuộc sống bộn bề lo toan, vất vả, với đồng lương ít ỏi của một công nhân lâm trường.
40 năm đã qua, nhưng với bà, ký ức Pò Hèn chẳng thể nào phai nhạt, vì nơi ấy chứng kiến lần đầu hai người gặp nhau và những thời khắc quật cường bên nhau đánh trả quân xâm lược, rồi nỗi đau tột cùng khi chồng và đồng đội hi sinh.
Theo NGUYỄN HÙNG (LĐO)