Hoài Nhơn trước cơ hội phát triển du lịch
Với nhiều thế mạnh về văn hóa và điều kiện tự nhiên, Hoài Nhơn sẽ là một trong những điểm nhấn du lịch các huyện phía Bắc của tỉnh trong thời gian tới.
Huyện Hoài Nhơn hiện có 15 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia; có lợi thế về du lịch biển với đường bờ biển dài hơn 24 km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ như Lộ Diêu, Bãi Con (Hoài Mỹ), Thiện Chánh (Tam Quan Bắc). Hoài Nhơn còn là thủ phủ của dừa, của nhiều làng nghề truyền thống.
Bãi biển Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ), một trong những bãi biển đẹp, được chọn là điểm đến du lịch biển trong nhóm sản phẩm du lịch biển của Hoài Nhơn.
Đánh thức tiềm năng
Theo ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển du lịch huyện Hoài Nhơn giai đoạn 2018 - 2020, huyện đã nỗ lực rất nhiều để chuyển các tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch thành giá trị thực tế. Hiện trên địa bàn huyện có 65 cơ sở lưu trú với 600 phòng, trong đó có 12 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1 - 2 sao, với 144 phòng; hơn 120 nhà hàng, quán ăn, trong đó tập trung nhiều nhất tại 2 thị trấn Bồng Sơn, Tam Quan và các xã Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Thanh Tây..., đáp ứng cơ bản điều kiện tham quan, lưu trú cho khách. Năm 2018, ngành du lịch Hoài Nhơn đã đón hơn 20.000 lượt khách.
Điểm thuận lợi khá lớn của Hoài Nhơn là huyện án ngữ cửa ngõ phía Bắc tỉnh (giáp với huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), kết nối dễ dàng với các huyện Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ. Với định hướng phát triển thành TX Hoài Nhơn, huyện không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tương lai.
Ông Trương Đề cho biết, nhiều năm qua, các ngành, các cấp huyện luôn quan tâm, đầu tư cho phát triển du lịch, với mục tiêu đưa Hoài Nhơn trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và là đầu mối du lịch phía Bắc của tỉnh. Việc phát triển du lịch huyện dựa trên khai thác tiềm năng, lợi thế theo xu hướng phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Từng bước phát triển du lịch gắn với đề án phát triển du lịch các huyện phía Bắc tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, gần đây, Hoài Nhơn triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, trong đó chú trọng xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Du lịch văn hóa - lịch sử là một trong 4 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng mà huyện Hoài Nhơn lập kế hoạch xây dựng.
- Trong ảnh: Hô bài chòi tại đền thờ Đào Duy Từ (thôn Ngọc Sơn Bắc, xã Hoài Thanh Tây). Ảnh: LÊ THỊ THANH DIỆU
Theo đó, huyện Hoài Nhơn có kế hoạch xây dựng nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của từng xã, thị trấn vào năm 2019, gồm 4 nhóm: du lịch biển với các dịch vụ như tắm biển, trải nghiệm cuộc sống của người dân làng chài, thưởng thức đặc sản biển; du lịch văn hóa - lịch sử gắn với lễ hội, hoạt động của địa phương; du lịch làng nghề với hoạt động trải nghiệm tại làng nghề, lưu trú, tham quan và mua sắm đặc sản địa phương; du lịch sinh thái rừng, hồ, sông suối kết hợp. Các nhóm sản phẩm du lịch được xây dựng dựa vào thế mạnh của từng địa phương; hình thành các tuyến kết nối với nhau, hình thành các tour tham quan toàn huyện Hoài Nhơn.
Để thực sự phát triển, bên cạnh các kế hoạch chung của huyện, các cấp chính quyền và người dân xã, thị trấn ở Hoài Nhơn có những sự chuẩn bị cho sự phát triển du lịch.
Tại làng nghề truyền thống dệt chiếu ở Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn), một trong những nơi được chọn để phát triển du lịch gắn với hoạt động làng nghề, các hộ dân tỏ ra phấn khởi khi được chọn làm điểm du lịch. Theo ông Võ Cư, Trưởng thôn Gia An Đông (Hoài Châu Bắc), cả thôn có khoảng 200 hộ dân theo nghề dệt chiếu cói truyền thống; sản phẩm làm ra tiêu thụ trên toàn quốc. Với người dân làng nghề, khi sản phẩm của làng được biết đến, làng nghề được chọn làm điểm du lịch, cơ hội phát triển sẽ tăng lên.
Tại xã Hoài Mỹ, một trong những xã biển có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như ghềnh Lộ Diêu, Bãi Con, di tích lịch sử tàu không số Lộ Diêu... phát triển du lịch được coi cơ hội thúc đẩy phát triển KT-XH. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ chia sẻ, trong năm 2019, xã đăng ký xây dựng sản phẩm du lịch biển dựa trên những thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nhân dân trong xã tích cực ủng hộ các dự án phát triển du lịch gắn bảo vệ môi trường.
“Khi định hình và hoàn thiện được sản phẩm du lịch đặc trưng, huyện tiếp tục đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ lưu trú, truyền thông và quảng bá... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thu hút du khách”, ông Trương Đề cho hay.
THU DỊU