Phối hợp giải quyết TTHC về đầu tư xây dựng ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế: Công khai, minh bạch, tiết kiệm
Ngày 11.10.2018, UBND tỉnh ra Quyết định 47/2018/QÐ-UBND ban hành Quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Nhiều chuyển biến tích cực đã được hình thành từ đó.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở KH&ĐT) Nguyễn Bay, khi chưa có quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhiều nhà đầu tư khi đăng ký thực hiện dự án tại Bình Định không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhà đầu tư phải tìm kiếm các thông tin liên quan đến dự án, liên hệ nhiều cơ quan, đi lại nhiều lần và phải mất nhiều thời gian để giải quyết. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư của tỉnh. Nhà đầu tư cho rằng TTHC còn rườm rà, chưa rõ ràng các bước thực hiện giữa các cơ quan.
Do đó, tỉnh đã ban hành quy định trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các TTHC về đầu tư xây dựng ngoài khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh; gồm các thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng và các thủ tục liên quan.
Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng, các quy định này đã bộc lộ một số bất cập và không còn phù hợp khi một số luật, nghị định, thông tư đã thay đổi. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 47 nhằm thay thế, cải tiến trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các TTHC, tạo môi trường đầu tư tốt hơn để thu hút nhiều nhà đầu tư.
* Với Quyết định 47, theo ông, đâu là ưu điểm về TTHC trong đầu tư xây dựng ngoài KCN và KKT trên địa bàn tỉnh?
- Quyết định 47 đã quy định cụ thể về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các TTHC về đầu tư xây dựng ngoài KCN và KKT trên địa bàn tỉnh đối với từng sở, ngành, từ đó tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết các TTHC về đầu tư. Trình tự giải quyết các thủ tục đã được công khai, minh bạch hơn; thời gian và chi phí gia nhập thị trường được giảm thiểu, mức độ hài lòng của nhà đầu tư và chất lượng của môi trường đầu tư cũng được nâng lên đáng kể.
Minh bạch, tiện lợi trong thực hiện thủ tục hồ sơ sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng ngoài KCN và KKT.
- Trong ảnh: Công ty CP may Hoài Ân do Tổng Công ty may Nhà Bè đầu tư ở Cụm công nghiệp Dốc Truông Sỏi, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân.
Các nhà đầu tư khi đầu tư dự án tại tỉnh dễ dàng nắm bắt được cụ thể quy trình và thành phần hồ sơ TTHC, lĩnh vực gì thì phải thực hiện tại cơ quan nào và thời gian giải quyết các TTHC.
Việc thực hiện Quyết định 47 không những sẽ nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp trong giải quyết công việc của các cơ quan chức năng thông qua một đầu mối duy nhất mà còn tạo ra nét mới về tỉnh Bình Định trong mắt các nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
* Ông có thể cho biết cụ thể tình hình thực tế giải quyết các TTHC về đầu tư xây dựng ngoài KCN và KKT trên địa bàn tỉnh từ khi Quyết định 47 được ban hành cho đến nay?
- Kể từ khi Quyết định 47 có hiệu lực ngày 23.10.2018 đến nay, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Sở KH&ĐT đã giải quyết thủ tục hồ sơ cho trên 30 dự án. Các dự án đều được giải quyết đúng thời gian hoặc sớm hơn quy định theo Quyết định 47.
Trong thời gian tới, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện đúng quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các TTHC về đầu tư xây dựng ngoài KCN và KKT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quan trọng là giúp cho nhà đầu tư theo dõi được trình tự xử lý hồ sơ dự án của mình, nắm bắt tiến độ giải quyết hồ sơ đến đâu.
* Xin cảm ơn ông!
Nguyên tắc thực hiện
* Cơ quan chủ trì thụ lý thủ tục phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan khác để giải quyết trong thời gian quy định. Nhà đầu tư không phải liên hệ với từng cơ quan để được giải quyết.
* Các sở, ban, cơ quan thuộc tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan đến dự án có trách nhiệm trả lời văn bản lấy ý kiến của cơ quan chủ trì. Nếu quá thời hạn đề nghị mà không có văn bản trả lời thì được hiểu là đồng ý với nội dung đề nghị cho ý kiến và giám đốc sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm nếu sau này phát hiện dự án có sai phạm.
(Trích Quyết định 47/2018/QĐ-UBND)
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)