Hãy cảnh giác, đừng chủ quan!
Sau hai cơn bão số 10 và 11 đi qua, các tỉnh miền Trung đã bị thiệt hại rất lớn với hàng chục người chết, hàng ngàn tỉ đồng tài sản, vật chất bỗng chốc bị cuốn sạch. Bên cạnh đó là những thiệt hại khó tính hết bằng tiền khi sản xuất đình đốn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, đời sống dân sinh bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề do môi trường bị ô nhiễm và nhiều hệ lụy phát sinh khác.
Vẫn biết “thủy hỏa đạo tặc”, bão và lũ lụt là thứ “giặc trời” hung dữ, khó lường nên những thiệt hại là khó tránh khỏi. Vì thế, các tỉnh miền Trung sống trong vùng khí hậu thiên nhiên có phần khắc nghiệt nên mưa bão, lũ lụt là chuyện năm nào cũng xảy ra, là chuyện không thể tránh. Cách duy nhất để tồn tại là phải tìm mọi cách để sống chung với nó bằng việc chủ động né tránh những bất lợi, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Qua hai trận bão và tiếp đó là lũ lụt ở miền Trung vừa qua, có thể rút ra nhiều điều hữu ích để ứng phó với thiên tai.
Trước hết là câu chuyện ở Đà Nẵng. Năm nay, cơn bão số 11 vào Đà Nẵng được đánh giá là lớn hơn cơn bão số 6 năm 2006, thế nhưng thiệt hại đã được hạn chế đáng kể, đặc biệt là không có thiệt hại về người. Có được kết quả đáng mừng này là việc chủ động các biện pháp phòng tránh bão đã được chính quyền và nhân dân địa phương này thực hiện rất tốt. Trước khi bão vào, hàng chục ngàn dân ở các khu vực nguy hiểm đã được di dời đến các vị trí an toàn; việc gia cố, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền cũng được thực hiện rất tốt… đã giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Thứ hai là câu chuyện lũ lụt ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đây là các tỉnh bị lũ lụt gây thiệt hại nặng nề sau bão. Bên cạnh nguyên nhân bất khả kháng là lượng mưa lớn thì việc nhiều hồ chứa nước không đảm bảo an toàn buộc phải hạ tràn xả lũ đã làm cho mức độ lũ lụt nặng nề hơn và theo đó thiệt hại cũng lớn hơn. Và điều đáng tiếc là cái thảm họa “nhân tai” này đã được nhìn thấy, đã được cảnh báo ở nhiều nơi những vẫn cứ diễn ra hết ở nơi này đến nơi khác, hết năm này đến năm khác. Rõ ràng, đã đến lúc vấn đề quy hoạch thủy lợi, thủy điện phải được tính toán lại một cách nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn để bớt đi những thiệt hại trong mỗi mùa bão lũ ở miền Trung.
Ngoài ra, trong mỗi mùa bão lũ cũng đều xảy ra không ít những cái chết thương tâm, đưa nhiều gia đình bỗng chốc lâm vào thảm cảnh hết sức đau lòng. Trong một số trường hợp, thiệt hại nhân mạng là bất khả kháng như lũ ống, lũ quét diễn ra trong đêm hoặc quá bất ngờ, thì cũng có không ít trường hợp thiệt mạng chỉ vì sự chủ quan, bất cẩn trong việc sinh hoạt, đi lại khi bão lũ đang diễn ra. Đây là thiệt hại hoàn toàn có thể tránh được nếu mỗi người tự ý thức trong việc bảo vệ tính mạng của chính mình. Đôi khi người ta lo quá nhiều thứ to tát mà lại “quên” chuẩn bị cho mình một sợi dây, một cây sào, một cái phao khi qua các ngầm tràn hay bờ đập khi mưa lũ xảy ra để rồi sau đó không có cơ hội để ân hận.
Bình Định cũng nằm trong vùng thời tiết khắc nghiệt, hàng năm thường xảy ra bão lũ gây thiệt hại nặng nề. Năm nay, tuy chưa xảy ra bão lũ lớn nhưng mùa mưa bão, lũ lụt vẫn chưa qua. Vì vậy, bài học cần thuộc nằm lòng là: Hãy cảnh giác, đừng bao giờ chủ quan!
Hải đăng