Những gương mặt di sản bài chòi
HIẾN DÂNG TẤT CẢ CHO BÀI CHÒI
Nói đến bài chòi, tôi hay mường tượng vẻ mặt tươi cười của cụ Lê Thị Đào (93 tuổi, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) ngày nghe tin bài chòi được UNESCO vinh danh. Cụ Đào, được xem là “báu vật nhân văn sống” đã chứng kiến biết bao thăng trầm của bài chòi. Hơn ai hết, bài chòi là máu thịt của bà. Hôm tôi đến thăm, tuổi đã cao, lúc nhớ lúc quên nhưng chỉ cần có tiếng đàn, điệu nhạc là cụ lại bật ra từng câu thai, trích đoạn bài chòi. Rồi cụ lọ mọ đi lấy song lang bắt nhịp hô bài chòi. Cụ hô vanh vách, giọng khỏe đến mức đám trẻ chúng tôi khó bì kịp.
Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại TP Quy Nhơn, tháng 5.2018. Ảnh: Hứa Thiện
Cụ Đào bảo: “Bài chòi giọng phải tốt, hô từng câu thai hay độc diễn một trích đoạn, câu hát, chữ nghĩa phải như từ trong bụng, trong tim mình bật ra, bài chòi có chảy trong máu mình thì khi hô hát người ta mới thấu cảm”.
Cụ Lê Thị Đào tự gõ song lang biểu diễn trích đoạn bài chòi “Trai cày”.
Có lẽ một đời sống với bài chòi nên lúc về già, những câu chuyện bà kể lại cho con cháu gần như chỉ có bài chòi! Bà kể về thời bà mộ bài chòi đến độ mê luôn ông bầu để rồi bà trở thành vợ ông bầu Trạng, rồi câu chuyện những nghĩa tình của bà với những nhà nghiên cứu văn hóa. Bà còn nhờ tôi gửi lời hỏi thăm đến từng người đã đến gặp, lấy dữ liệu nghiên cứu. Nói về bài chòi, cụ Đào không còn cần đến sự minh mẫn thông thường nữa, lời bà nói như tuôn ra từ trái tim!
DẠY BÀI CHÒI QUA ĐIỆN THOẠI...
Giống như cụ Đào yêu bài chòi từ khi là cô gái mới lớn, nghệ nhân Minh Đức (67 tuổi, xã Cát Hưng, Phù Cát) dầu một mình tần tảo nuôi 6 đứa con cùng mẹ già vẫn một lòng đau đáu với bài chòi. Lắm lúc người ta băn khoăn khi thấy bà dừng gánh ve chai đứng trú ở hiên nhà nào đó bên đường, hát hò, trò chuyện qua điện thoại. Không ai biết ấy là lúc bà giảng giải, thị phạm cho học trò, những người mộ bài chòi cổ. Cứ thế, bà rong ruổi khắp nẻo đường từ gánh hát này đến gánh hát khác, từ đứng trên sân, trên đường mưu sinh... cùng với bài chòi.
Không chỉ biểu diễn, nghệ nhân Minh Đức còn năng nổ công tác truyền dạy
Trò chuyện với tôi, bà cười bảo: “Tre già măng mọc, nếu như chỗ nào cần đến bài chòi, cần đến tôi, thì đường xa dặm trường tôi cũng không nề gì. Điều tôi hạnh phúc nhất là trông thấy học trò cứng cáp, vững vàng và giỏi hơn mình!”.
Cũng vì lẽ đó, ở các đợt tập huấn từ lớn đến nhỏ, nghệ nhân Minh Đức luôn đóng vai trò là người truyền nghề, truyền lửa. Đang loay hoay đan dây buộc chổi lông gà (công việc làm thêm của bà), bà ngừng lại tha thiết: “Thế hệ tôi không thể đi cùng bài chòi mãi được, tôi ước gì bài chòi được đầu tư bảo tồn, duy trì và phát triển nhiều hơn nữa”.
NGƯỜI CHẮT LỌC NHỮNG CÂU THAI MỚI
Là học trò “ruột” của nghệ nhân Minh Đức, nghệ nhân Nguyễn Phú (47 tuổi, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) quả không phụ lòng thầy. Ông là một trong những nghệ nhân trẻ của tỉnh được người hâm mộ bài chòi đón nhận. Yêu thích bài chòi từ lúc còn hoạt động công tác đoàn ở xã Phước Lộc, tuy nhiên, lúc đó ông chỉ mới được tiếp cận với bài chòi qua những vở diễn tuyên truyền. Sau khi được huyện cử tham gia tập huấn bài chòi cổ do tỉnh tổ chức, ông dốc lòng đến với bài chòi.
Nghệ nhân Nguyễn Phú
Không chỉ học tập cách hô hát, ông còn tự mày mò nghiên cứu qua tư liệu, sách vở để thật sự hiểu về bài chòi. Có những lần tham gia biểu diễn, người xem yêu thích viết câu thai lên giấy yêu cầu nghệ nhân hô, ông tự cảm thấy mình còn kém cỏi khi chưa thể đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của công chúng. Từ đó, ông bắt đầu công tác sưu tầm, sáng tác câu thai. Theo nghệ nhân Nguyễn Phú, bài chòi là loại hình diễn xướng dân gian, đúng với tên gọi, khi hô hát nghệ nhân phải tạo được sự tương tác với người xem, có như vậy không gian nghệ thuật mới lôi cuốn, hấp dẫn. Nghệ nhân Nguyễn Phú kể: “Tôi đi biểu diễn ở nhiều nơi, nếu cứ hô hoài những câu thai cũ, sẽ không thu hút được người xem. Đổi lại khi hô những câu thai mới mẻ hơn, bà con khen: “Ừ, năm nay hô câu mới hay nè!” Vì vậy tôi luôn cố gắng học hỏi tìm tòi phục vụ bà con tốt hơn”.
“NGHỆ SĨ NHÂN DÂN” CỦA NHƠN HẢI
Bên cạnh những nghệ nhân nổi tiếng, vẫn có những người âm thầm đem lòng yêu thích bài chòi, sẵn sàng phục vụ công chúng địa phương và có được chỗ đứng trong trí nhớ của họ. “Ông Dư bài chòi” - cái tên như một danh hiệu mà bà con nhân dân trong xã đã trao tặng cho ông Nguyễn Dư (71 tuổi, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn). Chẳng vậy mà khi tôi ra Nhơn Hải, nhiều người khẳng định chắc nịch, ông Dư là “nghệ sĩ nhân dân”, danh hiệu này do bà con Nhơn Hải trao tặng cho ông!
Nghệ nhân Nguyễn Dư. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ nhỏ ông Dư đã theo cha ra biển mưu sinh. Những chuyến ra khơi vào lộng, các bạn thuyền thường ngồi với nhau nhâm nhi chén trà, chén rượu và cùng hô hát bài chòi để vơi đi những nhọc nhằn trên sóng nước, bài chòi lặn vào ông Dư theo từng hơi thở như vậy. Như cái duyên đến lúc chín, ông tập hô hát, thuộc lòng những bản bài chòi cổ, những điệu hò đối đáp. Rồi vì quá yêu quê hương, chòm xóm, yêu từng góc xóm rẻo biển quê mình, ông thấy mình phải cất lên lời ca ngợi, thế rồi ông sáng tác. “Vì quá đam mê bài chòi, nên khi đã hô hát rành rọt, tui tập tành sáng tác cho thỏa niềm đam mê. Tui viết theo chủ đề gần gũi với đời sống làng biển quê mình, chủ yếu theo thể thơ lục bát với các làn điệu hò khoan, nói lối, xàng xê, xuân nữ, hò quảng, cổ bản… Đến bây giờ, nhiều sáng tác của tui được người dân trong xã yêu mến, hát truyền miệng với nhau”, ông Nguyễn Dư thật thà chia sẻ. Những câu thai ông Dư viết ra không phải điều gì to lớn nhưng nó là tất cả cuộc sống của người dân Nhơn Hải. Ông gửi vào câu thai chuyện làng chuyện xóm, chuyện đi biển của bà con... để rồi câu thai của ông là sự chắt lọc vốn sống nó tự nhiên bật ra nên cũng tự nhiên đi vào tâm hồn người dân Nhơn Hải, hỏi làm sao những cư dân xứ bán đảo không trao tặng danh hiệu cao quý cho ông.
THẢO KHUY - NGỌC NHUẬN