Lễ hội cầu ngư: Một cách bày tỏ lòng biết ơn
Cầu ngư là một lễ hội dân gian gắn với đời sống lao động, đánh bắt của người dân vùng biển. Thông qua lễ hội, các làng làm nghề chài lưới gửi gắm đức tin, lòng biết ơn đối với vị thần Nam Hải (cá Ông, cá Voi). Cha truyền con nối, dù làm ăn nơi xa, ai đã được sinh ra và lớn lên ở làng chài ven biển vẫn một lòng tưởng nhớ đến lễ hội truyền thống của quê hương.
Các nhà khoa học còn cho rằng lễ hội cầu ngư và tín ngưỡng liên quan đến tục thờ cá Voi, cá Ông còn là nguyên tắc, định hướng sống vươn tới cái cao cả, lương thiện; hun đúc quan niệm “ở hiền gặp lành”, siêng năng lao động và gìn giữ môi trường biển cả.
Người dân hồ hởi đợi thuyền nghinh Ông về tại Lễ hội cầu ngư thôn Vĩnh Lợi.
Bày tỏ lòng biết ơn
Hiện nay, tại các huyện như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn, nơi nào cũng có lăng thờ cá Ông và lễ hội cầu ngư. Đây là nét văn hóa tín ngưỡng, vừa là sinh hoạt cộng đồng của cư dân làng biển, nhằm cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, biển được mùa tôm cá.
Ở Bình Định, thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ là một trong những địa phương tổ chức lễ hội cầu ngư sớm và quy mô nhất (mùng 10 tháng Giêng). Tại đây hiện có 2 lăng thờ thần Nam Hải, gồm: Lăng Hải Thánh đường (còn gọi là Lăng từ đường) được xây dựng vào năm 1791 và Lăng Ông Đại (còn gọi Lăng Nam Hải thánh điện). Hàng năm, ngư dân trong thôn tổ chức Lễ hội cầu ngư vào tháng Giêng và tháng Tư âm lịch.
Theo lời kể của cụ Nguyễn Cư, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội cầu ngư Vĩnh Lợi, 2 tiền nhân khai hoang, mở mang đất đai lập làng tại Vĩnh Lợi là các ông Huỳnh Văn Tới và Nguyễn Văn Tô. Sau đó, 2 ông Phan Tấn Tài và Phan Tấn Lộc đến Vĩnh Lợi định cư và khai sinh ra nghề biển, làng có thêm nghề mưu sinh, 2 vị này được xem là bậc hậu hiền của Vĩnh Lợi.
Ở tỉnh ta, lễ hội cầu ngư trải dài theo mùa xuân, lần lượt diễn ra tùy theo điều kiện, truyền thống từng làng chài. Theo đó, ngoài Vĩnh Lợi như kể ở trên, còn có lễ hội cầu ngư thôn Lý Hòa (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, mùng 10 tháng Giêng); thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, 16.2 âm lịch); làng biển Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, mùng 10 tháng Tư âm lịch)... Dù thời gian và có một vài chi tiết khác nhau nhưng “đại đồng tiểu dị” các lễ hội cầu ngư đều diễn ra các nghi thức cơ bản như: Lễ vọng, nghi thức lễ nghinh thần, lễ tế cô hồn, lễ chánh tế, lễ xây chầu bả trạo mở đầu cho nghi thức hát án.
Đội bả trạo tại Lễ cầu ngư thôn Vĩnh Lợi.
Cha truyền con nối
Để lễ hội cầu ngư đậm đà sắc màu, ngoài phần tế lễ ra, bả trạo và múa gươm là những phần được người dân thích thú. Lực lượng tham gia vào đội gươm, đội bả trạo đều là thanh niên trai tráng trong thôn. Sức hấp dẫn của các nghi thức lớn đến mức, không chỉ lực lượng thanh niên tại chỗ, mà cả nhiều người đi làm ăn nơi xa cũng trở về quê hương đóng góp tinh thần, vật chất phục vụ cho hoạt động của lễ hội.
Có đầy đủ đội múa gươm và bả trạo, năm nay lễ hội cầu ngư Vĩnh Lợi còn tươi tắn hơn nhờ sắm sửa được trang phục mới. Đó là món quà của những người con Vĩnh Lợi ở xa bày tỏ với quê hương một chút lòng thành. “Tôi cũng như nhiều anh chị em bây giờ ở Vũng Tàu, nhưng lòng ai cũng hướng về quê kiểng, luôn nhớ ngày lễ hội truyền thống gắn bó với cuộc mưu sinh trên biển. Tôi cùng một số anh em đóng góp để trùng tu lăng, sắm sanh một số trang phục biểu diễn để lễ hội ngày càng thêm đẹp đẽ, sôi nổi” - anh Trần Quốc Đại, đang sinh sống, làm việc tại TP Vũng Tàu chia sẻ.
Còn theo anh Nguyễn Vũ Tài (25 tuổi, thôn Vĩnh Lợi 2, đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh), một năm làng chài chúng tôi có một lễ hội như vầy là dịp để hội tụ, sum vầy nên ai cũng tranh thủ về. Tôi vinh dự có 4 năm giữ vai tổng chấp sự đội gươm, 2 năm múa nữa là tổng cộng được 6 năm rồi. Không chỉ tôi mà cả các bạn trẻ bây giờ cũng rất háo hức tham gia.
Để chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư ngày 16.2 âm lịch sắp tới, gần 300 hộ dân thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cùng nhau hồ hởi chuẩn bị. Ngoài thành viên kỳ cựu, năm nào đội bả trạo thôn Bình Thái cũng vận động học sinh trong thôn tham gia. Đây là cách giữ gìn, truyền nối lễ hội truyền thống đến với lớp trẻ của thôn.
Tương tự, theo ông Nguyễn Khắc Vũ, trưởng ban vạn Lăng Ông xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Lễ hội cầu ngư Nhơn Hải được tổ chức vào ngày 11.2 âm lịch, nhưng từ ngày 20 tháng Giêng, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội vào guồng. Năm nay ngoài phần quỹ đã có, ban vạn Lăng Ông vận động thêm một số kiều bào, người lao động ở Hàn Quốc... để mua trang phục, trang bị mới cho đội gươm.
THẢO KHUY - NGỌC NHUẬN