Vẫn nhiều vướng mắc kiểm tra chuyên ngành trong cơ chế một cửa ASEAN
Việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, nhất là trong kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tồn tại, vướng mắc.
Sáng 19.2, tại Hà Nội, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa Quốc gia và tạo thuận lợi thương mại tổ chức phiên họp thứ 4 về kiểm điểm kết quả triển khai nhiệm vụ 2018 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tính đến cuối tháng 1 vừa qua, cơ chế một cửa quốc gia đã có 173 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với gần 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27.000 doanh nghiệp (đạt 97% so với mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 19).
61% doanh nghiệp cho rằng, thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia đã giảm thời gian tiếp nhận, xử lý và thủ tục nhanh gọn, đơn giản.
Tính đến ngày 31.12.2018, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 153 thủ tục hành chính của 12 Bộ, ngành, kết nối với gần 1,8 triệu hồ sơ của trên 26.000 doanh nghiệp. Trong năm 2018, các bộ, ngành có sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Trong đó có các Bộ: Giao thông Vận tải, Công thương, Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước có nhiều nỗ lực trong triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia và đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Nhà nước hoàn thành 100% kế hoạch kết nối.
Theo báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức, có đến 61% doanh nghiệp cho rằng, thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia đã giảm thời gian tiếp nhận, xử lý và thủ tục nhanh gọn, đơn giản; 51% cho rằng giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ cho doanh nghiệp; 42% cho rằng minh bạch trong thủ tục…
Về triển khai cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam chính thức trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa mẫu D điện tử với 4 nước trong khu vực gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Theo đó, nước ta trở thành 1 trong 5 nước đầu tiên trong khu vực kết nối thông tin tờ khai hải quan điện tử này…
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, theo kế hoạch đề ra về việc cơ chế một cửa quốc gia theo Nghị quyết 19, chúng ta cơ bản hoàn thành chỉ tiêu. Công tác cải cách, kiểm tra chuyên ngành cũng đạt được kết quả tích cực, trong năm 2018 các Bộ, ngành đã tiếp tục sửa đổi bổ sung 29 văn bản quy phạm phát luật và văn bản hướng dẫn; ban hành 18 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành; ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn đối với 15 nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành…
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, nhất là trong kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tồn tại, vướng mắc như: Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, việc cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý và kiểm tra chuyên ngành vẫn còn hạn chế. Đối với số lượng thủ tục hành chính triển khai mới còn chưa đáp ứng mục tiêu…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, thời gian tới các Bộ ngành tiếp tục duy trì, nâng cấp, vận hành để đảm bảo hệ thống thông tin dữ liệu được thông suốt. Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành, hay cắt giảm các thủ tục phải đi vào thực chất. Qua đó phải đảm bảo mục tiêu, đó là vừa tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn chống được gian lận thương mại, tăng cường được khả năng quản lý. Các Bộ, ngành tiếp tục việc tăng cường sự phối hợp với nhau nhằm tạo thuận lợi, tránh việc chồng chéo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta phải khắc phục đến mức tối đa việc một loại mã hàng hóa, thuộc diện kiểm tra lại rất nhiều bộ, ngành cùng kiểm tra. Chúng ta chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là đúng nhưng việc kiểm tra hậu kiểm cũng cần dựa trên cơ sở đánh giá những rủi ro.
Số lượng các doanh nghiệp phàn nàn chúng ta kiểm tra theo thông quan quá tràn lan và chúng ta không kiểm soát được chuyện này. Việc doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp phản ánh chúng ta cũng cần phải xem xét vấn đề này. Cần đánh giá lại kiểm tra theo thông quan trên tỷ lệ số lượng các đơn hàng chúng ta kiểm tra xem kết quả như thế nào để đánh giá lại tác động và hiệu quả.
Trong năm nay, mục tiêu đề ra là phấn đấu hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Thực hiện trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa điện tử với liên minh kinh tế Á-Âu và Hàn Quốc. Thực hiện trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch động thực vật với các nước ASEAN theo kế hoạch chung./.
Theo Nguyễn Hằng (VOV1)