Ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen: Phải đồng bộ và quyết liệt
Những năm gần đây, tình trạng cho vay nặng lãi (còn gọi là tín dụng đen) diễn biến khá phức tạp, nhất là ở địa bàn nông thôn, gây mất ANTT, khiến nhân dân bức xúc. PV báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Trà Dương, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh về vấn đề ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
* Nạn cho vay nặng lãi đang gây ra nhiều bức xúc xã hội. là lãnh đạo một cơ quan có chức năng liên quan, ông nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Trà Dương
- Những năm gần đây, hoạt động tín dụng đen (TDĐ) diễn biến khá phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng hoạt động TDĐ sử dụng nhiều hình thức như: Dán, phát tờ rơi tại các điểm công cộng, quảng cáo trên mạng xã hội, với nội dung như: “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”, “Alô là có tiền”… Tuy nhiên, các hình thức cho vay kiểu này có mức lãi suất rất cao mà nếu chỉ nhìn thoáng qua sẽ khó phát hiện được, giới chuyên môn hay gọi là “bẫy lãi suất”. Khi người vay tiền không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn, phía cho vay sẽ gây áp lực, thực hiện các hành vi bạo lực như đổ chất bẩn vào nhà, hăm dọa, thậm chí sẵn sàng gây án…
TDĐ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, tạo tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Riêng năm 2018, chi nhánh ngân hàng nhà nước (NHNN) các tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành, cơ quan công an đã xử lý 218 vụ việc liên quan đến TDĐ tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền khoảng 117 tỉ đồng. Trong đó, đã khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ…
Ở tỉnh ta, trong năm 2018, CA tỉnh và CA các địa phương đã phát hiện 15 nhóm/83 đối tượng và hơn 100 đối tượng đơn lẻ hoạt động TDĐ; 13 nhóm/70 đối tượng và 85 đối tượng đơn lẻ hoạt động đòi nợ thuê…
* Xin ông nêu cụ thể một vài vụ việc?
- Theo CA tỉnh, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 2 vụ liên quan đến hoạt động TDĐ. Vụ thứ nhất xảy ra tại địa bàn huyện Tuy Phước và TX An Nhơn và vụ thứ 2 xảy ra tại địa bàn TP Quy Nhơn.
Các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen.
- Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), một nhóm đối tượng từ Hà Nội và Hòa Bình đã móc nối với một số đối tượng ở địa phương thuê nhà để hoạt động TDĐ. Từ ngày 11.11.2018 đến ngày 7.1.2019, nhóm đối tượng trên đã cho vay 470 lượt với tổng số tiền gần 6,4 tỉ đồng.
Vụ thứ 2 do nhóm đối tượng từ Hà Nội và Nghệ An vào TP Quy Nhơn thực hiện. Từ tháng 8.2017, nhóm này thuê một căn hộ ở chung cư Long Thịnh (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) để ở và tổ chức hoạt động TDĐ không chỉ ở tỉnh ta mà còn mở rộng địa bàn sang Phú Yên, Gia Lai... Lãi suất cho vay của nhóm này lên đến 15 - 30%/tháng, tương đương 180 - 360%/năm. Đáng lưu ý, trong quá trình cho vay và thu tiền, nếu người vay chậm trả, các đối tượng nói trên đã chửi bới, hăm dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí hành hung người vay dã man.
* Vậy giải pháp nào để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn TDĐ, thưa ông?
- Theo tôi, muốn ngăn chặn, đẩy lùi nạn TDĐ, ngoài các giải pháp, chính sách phối hợp của ngành ngân hàng, rất cần những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Đối với ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần mở rộng mạng lưới hoạt động tại những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về TDĐ.
NHNN Bình Định đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc nâng mức vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo đó, mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình được nâng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ.
Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ phối hợp với cơ quan CA và chính quyền địa phương các cấp đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn TDĐ và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của tổ chức tín dụng, để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tượng, tổ chức hoạt động TDĐ.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)