“Cởi trói” cho không gian phố biển
TP Quy Nhơn là một trong những đô thị phát triển của khu vực Trung bộ, có nền kinh tế phát triển theo định hướng du lịch - dịch vụ - cảng biển - công nghiệp. Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách cải tạo cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư để phát triển du lịch. Tôi cũng như nhiều hộ dân sống ven biển Quy Nhơn hoàn toàn ủng hộ chủ trương di dời đến nơi ở mới, tạo điều kiện cho tỉnh cải tạo bờ biển, xây dựng các công trình phúc lợi, hạ tầng đô thị, tạo nên diện mạo TP Quy Nhơn khang trang hơn với những con đường đẹp như Xuân Diệu, An Dương Vương... Nhờ đó, du khách đến TP Quy Nhơn ngày một tăng và ngành du lịch đang có cơ hội phát triển như hôm nay.
Các tòa nhà cao tầng dọc bờ biển làm ảnh hưởng đến không gian phố biển Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Tôi được biết, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến 2020 và tầm nhìn đến 2050, trong đó có nội dung liên quan đến trung tâm biển Quy Nhơn như: Chỉnh trang tạo không gian cảnh quan mới dọc bờ biển; kiến trúc trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại, giải trí, quảng trường công cộng, công viên… gắn với văn hóa bản địa và hài hòa với biển Quy Nhơn. Tăng thêm không gian sinh hoạt cộng đồng, các công trình điểm nhấn xung quanh quảng trường đô thị, với các tuyến phố đi bộ và không gian sinh hoạt cộng đồng hướng ra bờ biển…
Tuy nhiên, hiện tại TP Quy Nhơn còn có các công trình cao tầng sát biển (khách sạn Hoàng Yến, Hải Âu, nhà khách Bình Dương…) đã vô tình tạo thành những bức tường chắn gió, che khuất tầm nhìn của nhiều khu dân cư bên trong và gây mất mỹ quan cho thành phố.
Hiện nay, trên thế giới, các thành phố du lịch không cho phép xây nhà cao tầng trên bờ biển vì như thế sẽ tạo ra những “bức tường bê tông” che chắn không gian biển và có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra sóng thần. Với Quy Nhơn cũng vậy, trong quy hoạch, xây dựng mặt tiền ven biển rất cần những khoảng trống và những khoảng lùi để tạo cảnh quan đô thị; dọc đường ven biển cũng nên xen vào và giữ lại các công trình văn hóa công cộng, vì bản chất của không gian dọc biển là không gian công cộng. Việc tồn tại các khách sạn cao tầng bên bờ biển đã làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và khả năng tiếp cận biển của người dân và du khách, và đây là vấn đề “lịch sử để lại” trong quy hoạch phát triển thành phố.
Tuy nhiên, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã rất nỗ lực để thuyết phục mấy trăm hộ dân sống dọc bờ biển di dời đến nơi ở mới nhường chỗ cho phát triển du lịch, thì không có lý do gì giữ lại các khách sạn cao tầng đang phá vỡ quy hoạch và không gian kiến trúc của thành phố biển.
Vì vậy, tôi đề nghị: Nếu các công trình cao tầng này đã hết thời hạn cho thuê đất, lãnh đạo tỉnh và TP Quy Nhơn dứt khoát lấy lại mặt tiền ven biển để Quy Nhơn phát triển kinh tế du lịch theo hướng có lợi cho Nhà nước và nhân dân.
Trần Hương Lợi