Vì sao gọi là “tháng giêng”?
Chúng ta đang ở trong tháng giêng. Ai cũng biết “tháng giêng” là tên gọi tháng đầu tiên của năm âm lịch. Nhưng từ đâu mà có tên gọi này thì không phải ai cũng rõ.
Theo các nhà nghiên cứu, “tháng giêng” trong tiếng Việt bắt nguồn từ hai chữ “正月” trong tiếng Hán mà âm Hán Việt hiện đại của nó là “chinh nguyệt”. Chữ “正” có hai âm đọc là “chính” và “chinh”, trong đó, âm “chính” quen thuộc hơn. Do vậy, nhiều người cho rằng, hai chữ trên phải đọc là “chính nguyệt” và “tháng giêng” là do hai chữ “chính nguyệt” này.
Chúng tôi tán đồng với ý kiến của học giả An Chi rằng, từ nguyên của “giêng” là “chinh”. Về phương diện ngữ âm học, “giêng” chính là biến âm của “chinh”, cụ thể, “giêng” là âm xưa của “chinh”. Bởi như đã biết, hai phụ âm /ch/ và /gi/ có thể chuyển hóa cho nhau, như trong các trường hợp: chỉ ~ giấy, chủng [tộc] ~ giống [nòi], chi ~ gì, chăng [tơ] ~ giăng [tơ]... Hai vần /-inh/ và /-iêng/ cũng có thể chuyển hóa cho nhau, như đã thấy trong: [mắt] kính ~ [mắt] kiếng, trình [làng] ~ chiềng [làng, chiềng chạ], chinh ~ chiêng [trống], [tứ] chính ~ [tứ] chiếng, linh ~ thiêng… “Chinh” và “giêng” (cùng thanh điệu) rõ ràng gần gũi hơn “chính” và “giêng” (khác thanh).
Vậy “chinh nguyệt” là gì? Trong tiếng Hán, “chinh/ chính” có một nghĩa là “đứng đầu”, “nguyệt” ban đầu nghĩa là “trăng”, sau có thêm nghĩa “tháng”. “Chinh nguyệt” là “tháng đầu tiên” (trong 12 tháng của năm theo nông lịch). Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển giảng: “Tháng đầu năm gọi là chinh nguyệt 正月tháng giêng” (NXB Thanh niên, tái bản lần 5, 2011, tr.385-386).
Gắn đến “tháng chinh”, có nhiều điều biến động thú vị. Theo An Chi, thời Xuân Thu quy định tháng đầu tiên của năm là “chinh nguyệt”. Đến thời nhà Chu, nhiều việc quốc gia đại sự được quyết định vào tháng đầu tiên này, nên “chinh nguyệt” còn được gọi là “chính nguyệt” (政月,“chính” bộ phộc, nghĩa là “tháng hành chính”). Đến thời Tần, Tần Thủy Hoàng sinh vào tháng giêng nên lấy tên là Doanh Chính. Để kỵ húy, “chính nguyệt” lại được đổi thành “chinh nguyệt”.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ