Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nhìn qua tác phẩm nghệ thuật
Cuộc phản công giữ nước của quân dân Việt Nam chặn đứng 600 ngàn lính Trung Quốc tràn sang xâm chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc cách đây 40 năm là một đề tài nóng bỏng trong văn học nghệ thuật. Tác phẩm đầu tiên viết về cuộc chiến tranh biên giới là ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Thời điểm ấy, ngay khi Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về thái độ ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã hoàn thành bài hát cổ vũ chính nghĩa Việt Nam vào chiều 17.2.1979: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương.
Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng. Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa… đang gọi tiếp những bản hùng ca. Việt Nam, ơi nước Việt yêu thương! Lịch sử đã trao cho Người một sứ mệnh thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường. Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc Lập - Tự Do”.
Sau bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, còn có hai ca khúc nữa đồng hành với quân và dân ta những ngày bom đạn cam go là “Lời tạm biệt lúc lên đường” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối và “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” của nhạc sĩ Hồng Đăng.
Tập bút ký “Ở mặt trận Cao Bằng” của nhiều tác giả.
Nhiều nhà văn vừa đi qua kháng chiến chống Mỹ lại tiếp tục xông lên tuyến lửa với những trang viết trực diện vạch trần tội ác của đối phương, mà tiêu biểu nhất là bút ký “Ở mặt trận Cao Bằng” của Tô Phương - Hà Đình Cẩn. Sau 40 năm, bút ký “Ở mặt trận Cao Bằng” vẫn còn nguyên sức thuyết phục: “Cuộc chiến đấu quyết liệt bảo vệ thị xã Cao Bằng đã diễn ra 5 ngày 5 đêm. Bốn giờ chiều ngày 22.2, chúng tôi gặp 30 nam nữ tự vệ ở cao điểm X cách thị xã Cao Bằng 7km về phía Tây Nam.
Nhìn những bộ áo quần bê bết bùn đất dày cộp như những tấm vải bạt, có chỗ máu còn thắm đỏ, chúng tôi hiểu những ngày vừa qua họ đã chiến đấu rất kiên cường để bảo vệ từng đường phố, từng khu nhà thân yêu trong thị xã. Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, nhưng vẫn ánh lên trên những khuôn mặt trẻ trung mà tiếng cười không bao giờ dứt trên làn môi tươi trẻ… Chúng tôi hòa mình vài những dòng người ra trận hôm nay, với tất cả nguồn sức mạnh đã được hun đúc từ hai cuộc kháng chiến trước…
Những mũi tiến của bộ binh và xe tăng địch thuộc quân đoàn 41 và hai sư đoàn sơn cước vào đất Cao Bằng, đã bị quân và dân các dân tộc Cao Bằng chặn đánh quyết liệt, diệt nhiều xe tăng và hàng ngàn tên đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, bắt sống xe tăng, thu nhiều vũ khí… Chúng tôi lại tiếp tục đi về phía trước, hướng về nơi có tiếng súng của các lực lượng vũ trang nhân dân ta trừng trị quân Trung Quốc xâm lược mò đến...”.
Hội Nhà văn Việt Nam lúc ấy cũng tổ chức một đoàn công tác lên biên giới Lạng Sơn. Bài thơ “Lên mặt trận, ngày đầu” được nhà thơ Nguyễn Duy viết ngày 18.2.1979: “Quân giặc tràn qua đèo Hữu Nghị/ Đồng Đăng thất thủ rồi/ Pháo Bằng Tường giội sang xối xả/ Dằng dặc giòng người sơ tán đổ về xuôi/ Lẫn lộn người Kinh, người Tày, người Dao/ Nào gánh, nào xe, nào gùi, nào vác/ Hiển hiện những ngày xưa loạn lạc/ Biên ải xưa giặc giã mới tràn vào/ Những gương mặt nghìn năm đanh sắt lại/ Máu lửa ngỡ cũ rồi mà vẫn mới/ Vẫn mới cả nón mê cả áo vá chân trần...”.
Còn nhà thơ Thanh Thảo từ miền Trung cũng cồn cào viết bài thơ “Tổ quốc” để khẳng định cương thổ chủ quyền của người Việt Nam: “Khẩu súng chống tăng ghì chặt vào vai/ Anh xạ thủ HMông mười tám tuổi/ Khi lũ giặc đang điên cuồng lao tới/ Một chấm nhỏ trên bản đồ một chấm nhỏ thiêng liêng/ Phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất/ Phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ quốc/ Quả đạn rời nòng trong chớp mắt/ Xe tăng cháy ngang đồi lũ giặc lùi xa/ Anh lính trẻ mỉm cười lau mồ hôi trên mặt/ Gương mặt dịu lành như Tổ quốc chúng ta”.
Ở mặt trận Lào Cai, với tư cách một phóng viên đi cùng bộ đội, nhà thơ Dương Soái đã viết bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” vào ngày 20.2.1979, ghi lại những phút giây bàng hoàng và nhức nhối: “Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Tháng Hai, mùa này con nước/ Lắng phù sa in bóng đôi bờ…/ Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng/ Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy/ Em ra sông chắc em sẽ thấy/ Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông/ Nhưng ngây thơ đâu còn ở chúng mình/ Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc/ Khi Lào Cai trong anh trở thành máu thịt/ Đạn lên nòng, anh giữ ngọn nguồn sông!”.
Bài thơ sau khi đăng báo, đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ thành ca khúc nổi tiếng. Tuy nhiên, những hình ảnh day dứt nhất của “Gửi em ở cuối sông Hồng” không được đưa vào bài hát, lại cho thấy góc độ khác của cuộc chiến, từ sự tàn phá của phe thù: “Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng/ Đạn quân thù bỗng cuồng điên bắn vào thị xã/ Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả/ Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong” đến sự ngoan cường của phía ta: “Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm/ Phá cầu thù, xẻ vụn xe tăng giặc/ Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục/ Máu giặc loang ố cả một vùng”.
Bên cạnh “Gửi em ở cuối sông Hồng”, nhà thơ Dương Soái còn có bài thơ “Ở một chốt lâm trường” viết về cuộc đọ sức không khoan nhượng giữa một tiểu đoàn Trung Quốc và ba cô gái trẻ Việt Nam: “Lại pháo gầm, lại kèn rúc inh tai/ Chín đợt tấn công, chín mươi hai xác thù đổ gục/ Ba cô gái lâm trường trên chốt/ Sửa lại mái đầu, kê súng lặng im”.
Đồng thời, nhà thơ Dương Soái cũng viết về ý thức cảnh giác của người Việt Nam sau khi đánh bật quân xâm lược khỏi biên giới: “Biết quân thù còn rình rập bên kia/ Người Lô Hà đào hầm hào trước khi khai phá ruộng/ Anh bộ đội về làng, giờ là trung đội trưởng/ Ngày vun trồng, đêm vượt núi tuần tra”.
Không có tính xung kích như văn chương và báo chí, điện ảnh vào cuộc chậm hơn. Năm 1980, đạo diễn Hải Ninh làm bộ phim “Đất mẹ” nhưng ít gây được tiếng vang dư luận. Đề tài ấy, hai năm sau được đạo diễn Đặng Nhật Minh xây dựng thành công bộ phim “Thị xã trong tầm tay”.
Ban đầu, “Thị xã trong tầm tay” là một truyện ngắn của Đặng Nhật Minh in trên Báo Văn nghệ đầu năm 1981, vốn không mấy ai chú ý. Thế nhưng, dịch giả Vũ Hoàng Địch (em trai của nhà thơ Vũ Hoàng Chương) đã gợi ý Đặng Nhật Minh chuyển thể sang điện ảnh.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể: “Tháng 8.1982, tôi cùng đoàn làm phim lên Lạng Sơn để thực hiện bộ phim. Thị xã Lạng Sơn lúc đó vẫn còn ngổn ngang đổ nát, hệt như một trường quay khổng lồ không cần phải tốn công dàn dựng. Dân chúng chưa được phép trở về, nên chúng tôi hoàn toàn làm chủ hiện trường”.
Bộ phim “Thị xã trong tầm tay” là tác phẩm khởi nghiệp của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã gây xúc động nhiều thế hệ khán giả. Ngoài hai vai chính do Tất Bình và Quế Hằng đảm nhận, bộ phim “Thị xã trong tầm tay” còn được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc chủ đề, dựa theo lời thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Mãi còn nơi biên giới/ Mây trời và ải xưa/ Một miền đất nắng mưa/ Suốt đời tôi mang nặng…”.
Tập thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” của Dương Soái.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết thêm: “Đó cũng là lần đầu tiên tôi bất đắc dĩ phải xuất hiện trên màn ảnh. Vì tình hình biên giới còn chưa yên, nên phút chót Bộ Ngoại giao không cho phép đưa một sinh viên Nhật Bản lên Lạng Sơn để đóng vai nhà báo Nhật trong phim. Không còn cách nào khác, anh em trong đoàn làm phim động viên tôi đảm nhận vai này…
Bộ phim ra đời đã làm mọi người hết sức bất ngờ. Kẻ bất ngờ vì coi đó không thể là một phim truyện theo cách nghĩ quen thuộc của họ. Người bất ngờ vì cho đó là một tiếng nói mới, một thứ ngôn ngữ mới chưa từng thấy trong các phim Việt Nam trước đây. Cuối cùng thì tôi là người bị bất ngờ hơn cả. Năm 1983, phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và đã nhận được giải Bông Sen Vàng!”.
Ra mắt bộ sách chủ đề “Biển đảo - 2019”
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Thành phố và Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ đã phối hợp tổ chức ra mắt bộ sách chủ đề “Biển đảo - 2019”, bao gồm: Tập thơ “Dấu chân biển cả” - tác giả Phùng Hiệu; tập thơ “Sóng hát”- tác giả Phạm Phương Lan; tập thơ “Tiếng chuông trong bão”- tác giả Phan Trung Thành; truyện ngắn “Cánh chim chắn bão”- tác giả Huỳnh Mẫn Chi và truyện dài “Về phía bình minh”- tác giả Võ Thu Hương. Với chủ đề “Văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh với biển đảo thân yêu”, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố đã tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác cho văn nghệ sĩ tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và đảo Phú Quý (Bình Thuận). Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch Trại sáng tác năm 2018 của Liên hiệp nhằm đẩy mạnh các hoạt động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài biên giới, biển đảo. Tại đây, các văn nghệ sĩ thành phố đã đến thăm, tặng quà và biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội biên phòng, giao lưu cùng các nhân chứng địa phương và được nghe kể chuyện về tinh thần bất khuất bám biển, giữ đảo của quân và dân nơi đây.
Sau chuyến đi thực tế sáng tác, các tác phẩm thuộc nhiều loại hình văn học nghệ thuật (nhiếp ảnh, hội họa, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn học) đã ra đời và phát huy thế mạnh riêng từng ngành, lần lượt được ra mắt công chúng. Riêng mảng văn học, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố đã chọn 5 tác phẩm in ấn, phục vụ rộng rãi bạn đọc trong dịp ra mắt sách chủ đề "Biển đảo - 2019".
Thông qua bộ sách chủ đề biển đảo, các tác giả trẻ đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm công dân và in đậm dấu ấn cá nhân của mình. Điều này đã góp phần làm lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc đến với đông đảo bạn đọc.
VNCA
Theo Tuy Hòa (vnca.cand.com.vn)