Việt Nam tham dự phiên điều trần nghị viện tại LHQ
Phiên điều trần thường niên giữa Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Liên hợp quốc (LHQ) đã khai mạc sáng 21.2 tại trụ sở của LHQ với chủ đề “Những thách thức mới đối với chủ nghĩa đa phương”. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (UBĐN QH) Nguyễn Văn Giàu dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam, đã tham dự phiên điều trần và tham gia thảo luận.
Trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao nỗ lực của LHQ và IPU trong việc duy trì hòa bình, an ninh thế giới và sự phát triển của các dân tộc, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm, đóng góp trong khả năng có thể với tư cách là thành viên của hai tổ chức này. Ông cho rằng các quốc gia, nhất là các nước lớn cần duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ, có hành động cụ thể đối với chủ nghĩa đa phương, tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, tuân thủ và thực thi những nghị quyết và chương trình của LHQ một cách công bằng, bình đẳng và trách nhiệm để mọi hoạt động của tổ chức đa phương này đạt hiệu quả thực chất. Ông cũng bày tỏ mong muốn LHQ cải tổ hơn nữa trong thời gian tới, đồng thời xây dựng các chuẩn mực cho những lĩnh vực chuyên môn mới về môi trường, khoảng không vũ trụ và an ninh nguồn nước cũng như quan tâm thích đáng đến các nước đang phát triển.
Liên quan đến hoạt động của IPU, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng tổ chức này cần phối hợp chặt chẽ với các nghị viện thành viên trong việc thực thi các khuyến nghị của mình; cùng với LHQ, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực tiếp tục các giải pháp xây dựng, củng cố lòng tin, phát huy ngoại giao phòng ngừa, tìm kiếm giải pháp bền vững cho các cuộc xung đột kéo dài, ngăn ngừa chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, góp phần xây dựng và gìn giữ hòa bình trên thế giới. Chủ nhiệm UBĐN QH Việt Nam cũng chia sẻ trong những năm qua Việt Nam đã hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hơn, đa dạng về cấp độ và hình thức trên tất cả các lĩnh vực.
Kể từ khi tham gia LHQ năm 1977, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, được bầu vào Hội đồng Bảo an (HĐBA), Ủy ban Kinh tế Xã hội, Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO); tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, triển khai tích cực Sáng kiến Thống nhất hành động-Một LHQ là một Ngôi nhà chung, được quốc tế đánh giá cao. Quốc hội Việt Nam, thành viên của IPU trong 40 năm qua, đã tham gia trách nhiệm và chủ động vào các hoạt động của IPU, đóng góp sửa đổi Quy chế, Điều lệ IPU và được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành của IPU nhiệm kỳ 2016-2019.
Dự kiến, trong ngày 22.2, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia thảo luận về các vấn đề về thúc đẩy quản trị toàn cầu có trách nhiệm, cải tổ Đại Hội đồng LHQ, vai trò và đóng góp của Quốc hội trong việc thúc đẩy các giải pháp ngăn ngừa, giải quyết xung đột và giữ gìn hòa bình hiệu quả hơn. Phiên điều trần sẽ bế mạc cùng ngày.
Theo TTXVN/qdnd.vn