Giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh
PCT UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tham luận tại hội nghị
(BĐ) - Ngày 22.2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217 - QĐ/TƯ và Quyết định số 218 - QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung Ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị cùng 2.779 đại biểu ở 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước.
Quang cảnh hội nghị
Tại điểm cầu Bình Định, các đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Phi Hổ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tham dự.
Đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung Ương MTTQ Việt Nam báo cáo 5 năm thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI). Cụ thể: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam từng bước đi vào nề nếp. Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội ở một số địa phương có chất lượng tốt được các cơ quan tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, nhất là các kiến nghị sau giám sát, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ kết quả, nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác giám sát, phản biện xã hội đối với Mặt trận các cấp thời gian tới.
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá một số kết quả nổi bật của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh như: thành lập 413 đoàn, tổ chức giám sát 875 cuộc với các nội dung như: việc giải quyết khiếu nại của công dân; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới... Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã cử đại diện tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền 1.772 lượt; Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn đã tổ chức giám sát trên 2.600 vụ việc, kiến nghị gần 1.800 vụ việc và được giải quyết hơn 1.400 vụ việc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát trên 3.550 công trình được xây dựng ở địa phương....
Dịp này, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp và kinh nghiệm như: các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định số 217/QĐ-TƯ, Quyết định 218/QĐ-TƯ của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân để tạo sự thống nhất trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội theo quy định. Các cơ quan nhà nước ở địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội theo quy định. Công tác giám sát, phản biện xã hội phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định với cách làm, phương thức linh hoạt đối với từng nội dung, đối tượng giám sát phù hợp với điều kiện nhân lực, kinh phí, đặc điểm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. UBND các cấp và cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp chặt chẽ để MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, nhất là chọn những vấn đề mà người dân, dư luận xã hội đang quan tâm, những chính sách mới và có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trước khi ban hành; đồng thời nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và giải trình đầy đủ các kiến nghị, phản ánh của MTTQ các cấp.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, để thực hiện tốt các hoạt động giám sát, phản biện thời gian tới, MTTQ các cấp cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, thảo luận với chính quyền trước khi tổ chức các cuộc giám sát để mang lại hiệu quả trong giải quyết, xử lý các vụ việc. Hiện việc triển khai giám sát, phản biện xã hội giữa Mặt trận các địa phương vẫn chưa đồng đều cả về số lượng và chất lượng, vì vậy thời gian tới Mặt trận và Ban Dân vận các cấp cần rà soát quy chế phối hợp, có hướng dẫn cụ thể nhằm đưa hoạt động này đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tác dụng đối với xã hội.
HẢI YẾN