Chủ động bảo vệ lúa vụ Ðông - Xuân
Vụ Ðông - Xuân 2018 - 2019, toàn tỉnh gieo sạ 48.046/48.244 ha lúa, đạt 99,6% kế hoạch. Riêng xã An Toàn (huyện An Lão) và xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) gieo sạ 1 vụ lúa Xuân- Hè với tổng diện tích 350 ha. Hiện, ngành Nông nghiệp tỉnh, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp chủ động bảo vệ lúa vụ sản xuất Ðông - Xuân 2018 -2019.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân huyện Tây Sơn phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa.
93,5 ha lúa bị chuột cắn phá
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), trước Tết Nguyên đán, toàn tỉnh có 93,5 ha diện tích lúa vụ Đông - Xuân bị chuột gây hại tại các địa phương, tỉ lệ gây hại từ 5 - 20%; thiệt hại nặng nhất là phường Bình Định (TX An Nhơn). Để bảo vệ sản xuất, Chi cục đã phân bổ hỗ trợ cho các địa phương trong tỉnh hơn 22 tấn thuốc diệt chuột vi sinh BIORAT để rải bỏ trên đồng ruộng nhằm diệt chuột với tổng diện tích 10.000 ha. Đến nay nông dân trong tỉnh đã diệt được hơn 43.300 con chuột, các địa phương cũng đã mua của nông dân 24.500 đuôi chuột. Nhờ nông dân tích cực diệt chuột cả trong những ngày Tết nên đến nay, hiện tượng chuột phá hoại đã giảm đáng kể, lúa phát triển tốt.
Ông Nguyễn Võ Lâm, cán bộ nông nghiệp phường Bình Định, cho hay: “Vụ Đông - Xuân 2018 - 2019, toàn phường gieo sạ 190 ha lúa; trong đó, có 10 ha lúa tại khu vực Liêm Trực bị chuột gây hại, mức độ thiệt hại trung bình từ 3 - 5%. Hiện, tình trạng chuột cắn phá lúa không còn, bà con nông dân cũng đang triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh”.
Ở tỉnh ta, tình trạng chuột gây hại lúa xảy ra ở nhiều địa phương, nhưng mức độ thiệt hại không đáng kể. Ông Nguyễn Văn Đạt, ở thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), trồng 7 sào ruộng, bộc bạch: “Ngoài sử dụng thuốc BIORAT được hỗ trợ, bà con nông dân còn đào hang, đặt bẫy diệt chuột; lấy vải, bì nhựa làm cờ cắm trên ruộng để xua đuổi chuột… Nhờ chủ động, tích cực phòng chống nên thiệt hại không đáng kể”.
Vụ Đông - Xuân 2018 - 2019, huyện Tây Sơn gieo sạ trên tổng diện tích 5.263,5 ha; trong đó, có 261,5 ha lúa chân cao sạ cưỡng, hơn 5.000 ha chân 2 vụ lúa. Theo ông Lê Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, trước Tết do có đợt mưa lũ xuất hiện muộn nên tình trạng chuột cắn phá lúa Đông - Xuân giảm nhiều so với mọi năm. Hiện, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ lá cũng đã bắt đầu xuất hiện trên diện tích khoảng 10 ha tại các chân ruộng đang trong giai đoạn đồng trổ. Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, chính quyền 15 xã, thị trấn tăng cường theo dõi, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa.
Phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa
Hiện tại, 1.943 ha lúa trên chân cao sạ cưỡng đang trong giai đoạn chắc xanh đến chín, 10.525 ha chân 3 vụ đang ở giai đoạn trổ đến trổ đều, còn lại diện tích 35.578 ha chân 2 vụ lúa trong giai đoạn làm đòng. Song, ở các huyện, như: Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, TX An Nhơn bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện gây hại cục bộ trên các trà lúa sớm trong giai đoạn đứng cái, làm đòng với tổng diện tích 48,6 ha; tỉ lệ cục bộ 1 - 2%, tỉ lệ cao từ 5 - 20%; bệnh khô vằn, rầy cục bộ cũng xuất hiện rải rác trên một số diện tích lúa, song mức độ gây nguy hại ít.
Ông Nguyễn Văn Cạn, ở khối 5, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) đang kiểm tra 4 sào ruộng của gia đình, cho biết: “Tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bơm trên ruộng với phương thức 1 lần/tuần nhằm diệt trừ sâu bệnh gây bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá. Sau khi sâu bệnh giảm, theo hướng dẫn chung tôi sẽ bón thêm phân NPK, Kali để lúa sinh trưởng”.
Còn ông Đỗ Hoàng Trung, ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định, chia sẻ: “Năm nay nhờ thời tiết tốt nên lúa phát triển ổn định, sâu bệnh gây hại cũng ít, giai đoạn này lúa đang trổ nên tôi dùng các loại thuốc phun trừ như Apphe 17EC, sát trùng đan 95WP để phòng trừ sâu đục thân, sâu hóa rầy. Mỗi lần bơm 6 - 7 bình trên diện tích 2 ha, bơm 2 lần/vụ. Ngoài ra, cũng phải thường xuyên thăm đồng để kịp phát hiện, xử lý sâu bệnh gây hại lúa”.
Vụ Đông - Xuân 2018 - 2019, HTX Nhơn Thọ 2 (TX An Nhơn) liên kết với Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất 103 ha lúa giống với 500 hộ thành viên tham gia sản xuất. Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX, cho biết: “Trong tổng diện tích sản xuất có 12 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, HTX đã kịp thời cấp phát thuốc để nông dân phun trừ. Đến nay đã khống chế được tình hình dịch bệnh”.
Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm, Chi cục tăng cường phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chủ động hướng dẫn nông dân tập trung các biện pháp bảo vệ cây trồng, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa. Đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên thăm đồng, kiểm tra để nắm chắc tình hình diễn biến sâu bệnh, khoanh vùng sâu bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, khống chế kịp thời, góp phần hạn chế thiệt hại do các loại sâu bệnh gây hại lúa vụ Đông - Xuân”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN