Phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững ở Hoài Nhơn: Nhiều nỗ lực từ hai phía
Thời gian qua, huyện Hoài Nhơn đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Thủy sản gắn với các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm góp phần vào nỗ lực chung xóa bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.
Tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn cập cảng cá Quy Nhơn để bán cá ngừ đại dương.
Hoài Nhơn là địa phương có đội tàu cá lớn nhất tỉnh với 2.419 chiếc, tổng công suất trên 1,149 triệu CV; trong đó, có 2.105 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên, chiếm 87% tổng số tàu cá trên địa bàn huyện.
Thời gian qua, huyện đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá; tuyên truyền pháp luật cho ngư dân không vi phạm lãnh hải nước khác trong khi khai thác, đánh bắt; chỉ đạo các xã biển ký cam kết để ngư dân khai thác thủy sản (KTTS) theo quy định; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Nhà nước. Tăng cường việc truy xuất, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, quản lý tàu cá thông qua hoạt động của Tổ kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Tam Quan… tạo điều kiện cho ngư dân khai thác, đánh bắt đạt hiệu quả cao.
Ngư dân Huỳnh Tấn Phi, ở xã Hoài Hương, chủ tàu BĐ 97045 TS, công suất 435 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng, chia sẻ: “Ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân, các ngành chức năng và chính quyền địa phương luôn chú trọng tuyên truyền pháp luật cho ngư dân để nắm rõ các quy định về KTTS xa bờ. Con tàu là tài sản của cả gia đình, nếu vi phạm vùng biển nước ngoài thì mình sẽ “trắng tay”, khổ lắm!”.
Xã Tam Quan Bắc có đội tàu cá chiếm số lượng nhiều nhất huyện với 1.095 chiếc, tổng công suất hơn 480 ngàn CV; trong đó, có 995 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Theo ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, qua công tác tuyên truyền, hầu hết ngư dân đều nắm bắt và thực hiện đúng các quy định về KTTS trên biển. Nhờ đó, tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài giảm, song vẫn có số ít ngư dân vì lợi ích kinh tế vẫn cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ.
Còn ngư dân Đỗ Mơ, ở xã Hoài Thanh, chủ tàu BĐ 98187 TS, công suất 800 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng, bộc bạch: “Chính quyền rất quan tâm, thường xuyên tổ chức gặp mặt ngư dân để tuyên truyền, vận động ngư dân KTTS không vi phạm vùng biển các nước. Bên cạnh đó, hầu hết tàu cá xa bờ đều được trang bị hệ thống định vị, thông tin liên lạc để sử dụng; đánh bắt theo tổ, đội đoàn kết… cũng giúp ngư dân yên tâm hoạt động dài ngày trên biển”.
Xã Hoài Hương hiện có 478 tàu đánh bắt xa bờ, tổng công suất 263.486 CV. Thời gian qua, địa phương cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các quy định KTTS. Ông Trần Tấn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương, tâm tình: “Rất khó quản lý ngư dân khi họ hoạt động trên biển, nên chủ yếu xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật KTTS cho ngư dân là chính. Đối với các ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, xã cũng đã tổ chức nhắc nhở, kiểm điểm tại các buổi họp dân để từ đó bà con ngư dân nâng cao nhận thức hơn nữa trong chấp hành quy định pháp luật về KTTS”.
Để thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của EC, ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định Luật Thủy sản, Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho ngư dân. Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát cấp chứng nhận, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Chỉ đạo UBND các xã biển hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/CP trong hỗ trợ nâng cấp, đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ; kiện toàn các tổ, đội đoàn kết trên biển; phát triển, nhân rộng Nghiệp đoàn nghề cá giúp ngư dân yên tâm bám biển, nhằm phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Hoài Nhơn trở thành trung tâm kinh tế biển năng động của tỉnh.
ĐOAN NGỌC