Đưa học sinh vùng cao trở lại trường sau Tết: Nỗ lực và... hơn thế!
Nhờ ngành GD&ÐT thực hiện nhiều giải pháp tích cực, kết quả khảo sát tình hình học sinh trở lại trường sau Tết ở 3 huyện miền núi trong tỉnh cho thấy, năm nay, học sinh đi học lại sau Tết đông hơn mọi năm.
Theo các hiệu trưởng, nỗ lực thắt chặt mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương thời gian qua đã mang lại kết quả vượt quá sự mong đợi.
Một tiết học ở lớp 11A1 của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh.
Tăng cường phối hợp 3 bên
Ông Từ Kim Lân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh vui vẻ thông báo, sau Tết, ngày đầu tiên đi học trở lại vắng tới 36 em. Nhưng đến nay chỉ còn vắng 2 em ở xa chưa về kịp. Có được thành công này là nhờ Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường nhắc nhở, động viên. Cùng với đó, trường gởi công văn, danh sách học sinh về xã nhờ xã quan tâm thêm, rồi liên lạc thường xuyên với thành viên trong ban đại diện ở xã đó. Ông Lân cho biết: “Thành viên ban đại diện đều nhiệt tình, tâm huyết, là người địa phương nên họ đến tận nhà, tìm hiểu từng gia đình một rồi lựa lời vận động, học sinh nào tốt thì nhờ thế sẽ tốt thêm, học sinh nào có nguy cơ bỏ học thì cũng được ngăn chặn từ sớm. Kết quả của năm nay tốt nhất từ trước đến nay nhờ kết hợp cả ba bên - nhà trường - gia đình và chính quyền địa phương”.
Cũng nhờ làm tốt công tác phối hợp mà theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, địa phương không có học sinh nào bỏ học sau Tết. Ông Phạm Minh Chấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, nêu rõ: “Ngày đầu đi học lại, cả huyện có 8 em vắng với lý do bị đau. Giữa tuần này rà soát lại thì thấy báo có 4 em nghỉ cũng vì bị đau; tuy nhiên, số em nghỉ học mới không lặp với số nghỉ cũ nên chúng tôi đang chờ thêm 1-2 ngày nữa xem sao. Ở Vân Canh, học sinh mầm non và tiểu học không em nào nghỉ học sau Tết, chỉ cấp THCS có một vài em còn ham chơi, lười học. Chúng tôi đã tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh đưa các em trở lại trường”.
Nỗ lực chưa đủ, phải kiên trì
Ngay buổi tối mùng 7 Tết (ngày đầu tiên học sinh trở lại trường), Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) đã thành lập đoàn vận động đến nhà 6 học sinh vắng mặt ở lớp vào buổi sáng. Nhờ kiên trì vận động, có 4 em đã trở lại trường. Còn hai em nữa, nhà trường đã nắm chi tiết hoàn cảnh rồi, tính toán trong tuần tới sẽ phối hợp với xã vận động tiếp.
Giọng thầy Hiệu trưởng Nguyễn Công Định như nghẹn lại khi nói đến từ “đi tìm”: “Chẳng hạn em học sinh lớp 6 chưa trở lại trường, ba có vợ khác, mẹ có chồng khác, bỏ em bơ vơ. Mình đi tìm học trò, đến nhà ba ở thì ba nói em bên mẹ, qua nhà mẹ thì mẹ bảo đang ở nhà ba. Hóa ra cả cha và mẹ đều không biết con mình ở đâu. Hay em lớp 7 mẹ chết, ba lấy vợ rồi sống riêng, 3 chị em tá túc trong căn nhà cũ. Mới học lớp 7 mà em đã phải tranh thủ đi làm kiếm tiền nuôi em… Tôi nhắc miết với các thầy cô, những trường hợp này, trước mắt các em chỉ còn một chỗ dựa duy nhất là thầy cô ở trường. Vì vậy nhất định phải tìm được các em và đưa các em trở lại lớp học, mọi chuyện sẽ tính sau”.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT An Lão, nhiều ngày qua, sáng nào các thầy cô giáo cũng tụ tập và thắc thỏm chờ sự xuất hiện của 5 em học sinh chưa trở lại trường. Nhắc đến chuyện đi vận động hôm trước, một số thầy cô kể lại chuyện bị phụ huynh “trách móc” rằng: Để vài hôm nữa cháu nó đi chứ làm gì mà thầy cô cứ đến hối miết vậy”. Sau khi nghe thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Tỉnh thông báo tuần tới lại tiếp tục đi vận động, các thầy cô trêu nhau: Chuẩn bị nghe phụ huynh “trách móc” nữa rồi, thậm chí còn bảo với thầy cô là con tôi không muốn học nữa. Nhưng không sao, cứ miễn “kéo” được các em về với trường thì cực mấy thầy cô cũng không nề hà.
Song song với số học sinh người dân tộc thiểu số, năm nay, các nhà trường còn quan tâm nhiều đến số học sinh người Kinh có hoàn cảnh gia đình éo le, đặc biệt số có ba mẹ đánh bài, đề đóm, vay nóng, phải bán nhà cửa, đất đai, ruộng nương. Đứng chân trên địa bàn phức tạp vậy nhưng nhờ có giải pháp hiệu quả nên Trường THCS Canh Hiển (huyện Vân Canh) nhiều năm qua là đơn vị làm tốt công tác vận động. Ban giám hiệu nhà trường cho biết vận động các em trở lại trường được là cần thiết nhưng tìm cách giữ các em ở lại là điều hết sức quan trọng. Bằng cách luôn quan tâm, yêu thương, tìm kiếm phương pháp dạy học phù hợp, các thầy cô không ngừng nỗ lực để học sinh của mình tìm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui thật sự.
NGỌC TÚ