Bài học từ một phiên tòa
Vụ án Trương Trung Nghĩa (SN 2001, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) cùng đồng bọn phạm tội giết người được TAND tỉnh đưa ra xét xử ngày 22.2 đã để lại nhiều nỗi đau không chỉ với những người trong cuộc...
Phiên tòa xét xử vụ án giết người của bị cáo Trương Trung Nghĩa và đồng bọn.
Đứng trước HĐXX là những gương mặt tưởng chừng còn “búng ra sữa” nhưng đây lại là các bị cáo đang bị xét xử về tội giết người. Cả 6 bị cáo và những người liên quan được triệu tập đến tòa đều ở tuổi vị thành niên, từ 13 đến 17 tuổi. Có lẽ vì còn quá trẻ nên họ đã không ý thức được hành vi của mình. Khi nghe HĐXX hỏi lý do tại sao lại mang hung khí đi đánh nhau, cả 6 bị cáo đều cúi đầu im lặng, rồi một trong số đó lí nhí nói: “Không có lý do rõ ràng, chỉ là khi đi trên đường thấy nhóm của Phố Hội đi qua nên buộc miệng nói “tối nay chơi không” (tức là rủ đánh nhau - PV).
Nguồn căn của câu chuyện là từ việc 2 nhóm thanh niên Phố Hội thuộc thôn Xuân Thạnh Nam và nhóm thanh niên Chòm Chợ thuộc thôn Xuân Bình (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) có mâu thuẫn trước đó. Nên khoảng 20 giờ ngày 25.2.2018, Nghĩa rủ Phạm Quốc Khải, Nguyễn Chí Hiếu, Hồ Quốc Khánh, Nguyễn Việt Anh, Mai Văn Kiệt (cùng SN 2003) đi tìm nhóm thanh niên Chòm Chợ. Khi thấy nhóm của Nghĩa đến, Đào Văn Đạt (SN 2002) dùng cây chủ động đánh Anh và Kiệt, Đào Văn Thành (SN 2001, anh trai Đạt) thấy vậy cũng lấy cây tham gia đánh nhóm Nghĩa. Tuy nhiên, Thành chưa đánh gây thương tích cho ai thì bị nhóm của Nghĩa dùng đá ném vào người khiến Thành ngã xuống đường. Trong lúc đang lom khom dậy, Thành tiếp tục bị Nghĩa cầm cục đá bê tông xi măng ném trúng vào vùng thái dương, làm vỡ sọ, chảy máu nội sọ dẫn đến tử vong.
Tại tòa, HĐXX tập trung phân tích nhiều về nguyên nhân, hành vi của các bị cáo. Theo đó, trong vụ án này, có nhiều đối tượng tham gia, nhưng không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức mà là đồng phạm giản đơn. Trong đó, Nghĩa là người trực tiếp ném đá vào đầu, mang tính chất quyết định gây ra cái chết cho nạn nhân. Đối với Khải, Hiếu và Khánh, cùng tham gia tích cực ném đá vào người nạn nhân nên chịu trách nhiệm chung về hậu quả. Anh và Kiệt tuy không trực tiếp dùng đá ném gây ra cái chết cho nạn nhân, nhưng cả 2 đều có hành vi tham gia đánh nhau, thể hiện ý thức giúp sức tích cực cho các bị cáo khác, nên cũng phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả chết người.
Hậu quả đau lòng đã xảy ra, ai cũng có phần lỗi kể cả bị hại. Các bị cáo cũng đã ý thức được hành vi sai trái của mình, ăn năn hối cải. Vậy nên suốt phiên xử, HĐXX dành nhiều thời gian để nhắc nhở mọi người, nhất là các bạn trẻ cần bình tĩnh để giải quyết xung đột, không nên vì những lý do không chính đáng mà chọn vũ lực để thể hiện, giải quyết dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi nghe HĐXX tuyên các mức án, lần lượt: Nghĩa 7 năm tù giam; Khải 5 năm tù giam; Hiếu, Khánh 4 năm tù giam và Anh, Kiệt là 3 năm tù giam, thì mẹ của bị hại lại là người khóc nức nở. Bởi theo chị, “dù sao con trai tôi cũng không thể sống lại và cháu cũng có phần lỗi khi đánh các bị cáo… Mức án đối với các cháu thế này là quá cao, tội lũ nhỏ, mong tòa coi lại…”.
Từ phiên tòa này cho thấy rằng, phía sau mỗi vụ án bao giờ cũng là những nỗi đau. Nỗi đau ấy còn nhân lên gấp bội khi kẻ gây án là những người trẻ, chỉ vì một phút ngông cuồng, bồng bột, đã tự đẩy tương lai đang rộng mở của mình vào chốn lao tù.
K.ANH