Ngành chế biến gỗ với “sân chơi” CPTPP: Cơ hội & thách thức
Những năm gần đây, vượt qua khó khăn, nỗ lực tìm kiếm khách hàng, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ở tỉnh Bình Ðịnh đã đạt được kết quả khả quan trong đa dạng hóa sản phẩm, khai thác thị trường mới. Ðây là tiền đề để nắm bắt cơ hội do Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo nên.
Công ty CP Phú Tài phấn đấu trong năm 2019 đạt doanh thu 5.650 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 555 tỉ đồng, tăng 17% so với năm 2018.
- Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Phú Tài.
Tìm lại vị thế
Từ chỗ là ngành chiếm tới 60% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, những năm gần đây hoạt động của các DN chế biến gỗ - lâm sản (CBG-LS) trên địa bàn ngày càng suy giảm, đến năm 2017 chỉ còn 49,5%... Bước sang năm 2018, các DN CBG-LS Bình Định tiếp tục đương đầu trước những khó khăn, trong đó có những “rào cản kỹ thuật” do các nước nhập khẩu áp đặt, nhất là Quy chế gỗ châu Âu (EUTR), Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)…
Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 30.12.2018. Theo CPTPP, các nước tham gia sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ về 0%; 86,5% mặt hàng thuế sẽ về 0% sau 3 năm.
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội G-LS Bình Định (FPA Bình Định), trong bối cảnh đó, các DN trên địa bàn đã nỗ lực sắp xếp lại tổ chức, dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn quốc tế… Kết quả, năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành CBG-LS tỉnh đạt 423 triệu USD, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, với tốc độ tăng trưởng 6,2% so với năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ đạt 382 triệu USD, tăng 2,5%.
Đạt được kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của các DN hàng đầu điển hình như: Công ty CP Phú Tài, Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Công ty TNHH Hoàng Hưng, DNTN Gia Hân, Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành...
Theo ông Lê Vỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phú Tài, năm 2018, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Phú Tài tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Kết quả, năm 2018, doanh thu của công ty đạt 4.761 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận đạt 475 tỉ đồng (tăng 12%); nộp ngân sách tại tỉnh 156 tỉ đồng. Đặc biệt, trong năm 2018, Công ty Phú Tài vinh dự lọt vào “Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất”…
Còn theo ông Võ Mai Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương, kết quả mà các DN CBG-LS trên địa bàn đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Việc chiếm 53% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh không chỉ chứng tỏ vai trò đầu tàu của ngành CBG-LS, mà còn khẳng định vị thế “Thủ phủ đồ gỗ Bình Định”...
CPTPP: Cơ hội & thách thức
Theo ông Lê Minh Thiện, trên cơ sở đánh giá, nhận định tình hình kinh tế thế giới, khu vực, trong nước, nhất là sự kiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thi hành, FPA Bình Định đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của ngành CBG-LS Bình Định năm 2019, qua đó xác định: Phấn đấu đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ - lâm sản khoảng 430 - 440 triệu USD, tăng 4-6% so với năm 2018.
Ông Lê Minh Thiện phân tích: Những mục tiêu trên là hoàn toàn khả thi đối với các DN CBG-LS tỉnh, nhất là khi bước vào “sân chơi” CPTPP. Bởi lẽ, theo cam kết, CPTPP có hiệu lực sẽ giúp cắt giảm 86% tổng số dòng thuế nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản. Với thị trường Canada, mức thuế 3,5% sẽ được xóa bỏ đối với các sản phẩm: ván sàn, gỗ thanh... Còn Mexico, với lộ trình tối đa là 10 năm, thị trường này đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, bao gồm cả ván dán, ván dăm, gỗ thanh, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất… Đặc biệt, theo CPTPP, cơ hội cho sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ gia tăng theo thời gian khi thuế giảm dần về 0%...
Còn theo ông Võ Mai Hưng, cơ hội đối với các DN CBG-LS trên địa bàn là không nhỏ, nhất là thời gian qua UBND tỉnh đã chủ động mở hướng hợp tác với Nhật Bản, trong đó có ngành CBG-LS; đồng thời, một số DN cũng đã chuyển hướng sang thị trường các nước thuộc CPTPP…
Tuy nhiên, ông Võ Mai Hưng cũng cảnh báo: CPTPP không phải toàn bộ đều “màu hồng”, thậm chí sẽ có không ít thử thách đối với các DN CBG trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh những cơ hội, các DN CBG trên địa bàn sẽ phải đối diện với quy định về quyền sở hữu trí tuệ mà CPTPP đặt ra. Bởi vì, giá trị xuất khẩu của ngành CBG Việt Nam là khá lớn, nhưng giá trị sản phẩm thiết kế lại chiếm tỉ lệ rất nhỏ, trong đó đa số đều sản xuất theo thiết kế đặt hàng của nước ngoài… Bên cạnh đó, tinh thần, ý thức hội nhập CPTPP của các DN CBG trên địa bàn chưa cao, thậm chí thông tin về CPTPP đối với một số DN còn rất hạn chế. Không ít DN CBG chưa thực sự chủ động để sẵn sàng bước vào “sân chơi” CPTPP…
Cũng theo ông Võ Mai Hưng, với trách nhiệm của mình, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN CBG-LS trên địa bàn hội nhập vào CPTPP, trong đó có kế hoạch xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường các nước CPTPP, tham gia các hội chơ triển lãm.
VIẾT HIỀN