Ðổi thay ở Cát Sơn
Về xã Cát Sơn, huyện Phù Cát hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay diện mạo của một xã miền núi này. Những năm qua, xã miền núi Cát Sơn biết chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới; khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương; tận dụng đất trống đồi trọc ven chân núi phát triển trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: keo lai, bạch đàn, điều, đậu phụng…
Mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở hồ Hội Sơn (xã Cát Sơn) giúp người dân có thu nhập cao.
Đến nay, diện tích rừng WB3 ở xã đã lên đến 350 ha, xã có 380 ha điều, 280 ha đậu phụng và hàng trăm ha hoa màu khác, được trồng luân canh, xen canh đạt hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất trên mỗi ha canh tác đạt 100 triệu đồng, tăng 3 triệu/ha so với năm 2017. Thống kê mới nhất cho biết toàn xã có khoảng 26% hộ ở mức khá. Nếu năm 2010, bình quân thu nhập đầu người gần 20 triệu đồng và tổng sản phẩm địa phương toàn xã là 109 tỉ đồng, thì đến nay đã đạt tới con số tương ứng thu nhập đầu người là 35,7 triệu đồng và tổng sản phẩm đạt 195,5 tỉ đồng. 100% số hộ trong xã được sử dụng điện, 98% có nhà kiên cố; số hộ nghèo giảm xuống còn 5,23%, giảm 3,66% so với năm 2017. Ở Cát Sơn nay đã xuất hiện nhiều hộ gia đình có thu nhập khá từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng mỗi năm, như: hộ ông Nguyễn Văn A, Đặng Ngọc Hồng ở thôn Thạch Bàn Đông, hộ ông Nguyễn Bút ở thôn Hội Sơn….
Trong xã hội, hai lĩnh vực quan trọng được người dân quan tâm là y tế và giáo dục thì ở Cát Sơn đều có bước phát triển ổn định. Cát Sơn đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã, công tác khám chữa bệnh cho dân đảm bảo. Việc dạy và học được quan tâm, các trang thiết bị trường học được đâu tư đúng mức, có 1 trường tiểu học và 1 trường THCS khang trang, đẹp đẽ ở ngay giữa trung tâm xã.
Ông Đinh Thơm, người dân tộc Bana, ở Sơn Lãnh, thôn Thạch Bàn Tây kể: Cuộc sống có nhiều thay đổi, cán bộ địa phương quan tâm đến đời sống nhân dân; nên người dân phấn khởi. Chưa có nhiều hộ giàu nhưng đời sống thoải mái chứ không còn mấy nhà chật vật, thiếu trước hụt sau như trước.
Ông Nguyễn Hữu Nam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn cho biết: So với trong huyện, Cát Sơn vẫn còn là xã thuộc nhóm nghèo nhất, tỉ lệ hộ cận nghèo còn cao - 12,71%. Dù vậy với nhiều nỗ lực, Cát Sơn đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đầu về đích trong năm 2020. Để có cơ sở thực hiện mục tiêu này, trước mắt, xã phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại; chú trọng chuyển đổi cây trồng, áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới mục tiêu sản xuất nhiều sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.
THẾ HÀ