Mô hình bán lẻ đa kênh
Trong cuộc cạnh tranh, giành thị phần, các nhà bán lẻ lớn vừa chạy đua trong việc mở rộng điểm bán, tăng lượng hàng hóa, giá tốt, hậu mãi chu đáo, vừa chủ động tương tác, thu hút khách từ cửa hàng, từ trang bán hàng bằng website, mạng xã hội…
Tại thị trường Quy Nhơn, mô hình bán lẻ đa kênh đang được các nhà bán lẻ lớn như chuỗi siêu thị SaiGon Co.op, Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Quy Nhơn, Thế giới Di động, FPT shop… ráo riết triển khai.
Điện máy Nguyễn Kim Quy Nhơn đã kết nối cửa hàng truyền thống với cửa hàng online để tăng mức độ tương tác với khách hàng.
Năm 2003, SaiGon Co.op chính thức khai trương siêu thị Co.opmart Quy Nhơn (đường Lê Duẩn, TP Quy Nhơn). Năm 2015, một siêu thị khác trong chuỗi siêu thị SaiGon Co.op chính thức mở cửa phục vụ khách hàng - Co.opmart An Nhơn (ở phường Bình Định, TX An Nhơn). Ngoài ra, hệ thống SaiGon Co.op tại Bình Định còn có cửa hàng tiện lợi Co.opFood (đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn).
Theo ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV SaiGon Co.op tại Bình Định, bán lẻ hiện đại đang thay đổi, vừa phải cạnh tranh với các hãng bán lẻ khác, vừa phải chạy đua với thương mại điện tử để giữ khách hàng. Trong cuộc đua khốc liệt này, SaiGon Co.op tại Bình Định triển khai mô hình bán lẻ đa kênh. Song song với việc tư vấn trực tiếp tại siêu thị, các fanpage của cửa hàng được mở ra, tăng tương tác với khách hàng. “Với hơn 13.700 lượt theo dõi, trên 80 lượt tương tác, đặt hàng, tư vấn về sản phẩm, dịch vụ mỗi ngày, fanpage Co.opmart Quy Nhơn tạo điều kiện để kết nối giữa khách hàng và nhà bán lẻ. Với kênh này, khách hàng kịp thời cập nhật các dịch vụ như đi chợ giúp bạn, tư vấn món ngon, khuyến mãi!”, ông Hùng cho hay.
Mới xuất hiện tại thị trường Quy Nhơn chưa lâu, nhưng Nguyễn Kim Quy Nhơn (Trung tâm thương mại Kim Cúc Plaza) đã thu hút được khá nhiều khách hàng nhờ mô hình kinh doanh đa kênh, tương tác với khách hàng trên fanpage, website.
Theo anh Nguyễn Trung Tín, chuyên viên marketing Nguyễn Kim Quy Nhơn, thông qua fanpage Nguyễn Kim, website Nguyễn Kim, tính từ lúc khai trương (28.8.2018) đến nay đã có hơn 1.000 lượt mua sắm trực tuyến. Riêng 3 tháng Tết (tính từ tháng 12.2018 đến gần cuối tháng 2.2019), Nguyễn Kim Quy Nhơn đón gần 16.100 lượt khách; bán được hơn 26.500 sản phẩm các loại, trong đó gần 25% xuất phát từ kênh online. Đây là con số cực kỳ ấn tượng.
Chị Mai Thị Thu Hằng, quản lý nhà sách Fahasa Quy Nhơn (thuộc Công ty CP Phát hành sách TP Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn) chia sẻ, nhờ tương tác trên fanpage, chúng tôi kịp thời ghi nhận các phản hồi, nhu cầu sách, dịch vụ đi kèm. Đây là kênh thông tin quan trọng để Fahasa kịp thời cập nhật được sách mới, những sản phẩm theo mùa như đồ dùng học tập và dụng cụ, văn phòng phẩm cho năm học mới, lịch block dịp tết, quà lưu niệm dịp lễ…
Bán lẻ đa kênh mang hiệu quả lớn cho các DN bán lẻ và người tiêu dùng, khiến cuộc cạnh tranh giữa bán lẻ truyền thống với thương mại điện tử càng thêm riết róng. Khi gia nhập kênh online, các DN lớn vốn đã có kênh offline dễ dàng vươn lên dẫn đầu nhờ có thể tương tác và giúp khách hàng trải nghiệm thực tế tại cửa hàng của mình. Không khó kiểm chứng điều này khi dạo qua các trung tâm mua sắm như SaiGon Co.op, Nguyễn Kim, Thế giới Di động, FPT shop.
Không thể đứng ngoài cuộc, các DN địa phương ngay tại Bình Định cũng nhạy bén khi vận dụng mô hình bán lẻ đa kênh, thúc đẩy doanh số bán hàng, điển hình là Trung tâm Điện máy Quốc Khánh, Điện máy Tân Hóa Nga, Nội thất Wovidecor…
Theo chia sẻ từ các đơn vị bán hàng, các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bán lẻ, khách hàng có nhu cầu tương tác qua nhiều kênh để tìm kiếm sự so sánh về giá cả các mặt hàng, chất lượng sản phẩm. Lộ trình mua hàng của họ sẽ là: Xem hàng trên kênh online - đến cửa hàng xem sản phẩm - đặt hàng - nhận tại nhà. Do đó, với các nhà bán lẻ, tương tác đa kênh rất quan trọng, vì giúp duy trì sự tương tác một cách liền mạch, cùng với đó dịch vụ giao nhận đảm bảo.
THU DỊU