Rộn ràng hát bội, bài chòi
Ngay từ đầu năm, khắp mọi miền trên quê hương, tiếng trống chầu, câu hô thai đã rộn ràng. Ðây không chỉ là mùa vui của những người nghệ sĩ mỗi khi được sáng đèn sân khấu mà còn là niềm mong đợi của người dân.
Sáng đèn suốt tháng Giêng
Năm nay, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định và Nhà hát tuồng Đào Tấn đều tập trung luyện tập, phục vụ cho Chương trình nghệ thuật của Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Dù vậy, sau khi biểu diễn vào đêm mùng 4 Tết, các đơn vị tiếp tục phục vụ tại Lễ hội và các đoàn sẽ đi diễn khắp các vùng quê, ngõ xóm, chỉ cần người dân còn mến mộ, yêu thích.
Đoàn Ca kịch bài chòi diễn vở “Chói rạng sơn hà” phục vụ khán giả Hoài Nhơn.
NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi kể, năm nay lịch diễn kín đến cuối tháng Giêng. Sau khi biểu diễn tại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại sân khấu trước Bảo tàng Quang Trung vào tối mùng 4 Tết, mùng 6 Tết Đoàn diễn tại xã Bình Nghi (Tây Sơn); 3 đêm tiếp theo (mùng 7 - 9 Tết) diễn ở thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát). Tại huyện Hoài Nhơn, liên tục từ mùng 10 - 19 tháng Giêng, Đoàn phục vụ ở thôn Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc), xã Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Sơn. Sau đó, lần lượt diễn phục vụ ở An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh.
Sau khi ra quân và thành công ở Tây Sơn, Nhà hát tuồng Đào Tấn tiếp tục phục vụ khán giả. Theo Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn Văn Bá Dũng, tùy theo nhu cầu, sở thích của người dân cũng như đặc điểm văn hóa vùng miền mà Nhà hát có những vở diễn phù hợp làm hài lòng bà con. Mọi người thường thích những vở tuồng truyền thống, kinh điển, do vậy những vở ưu tiên biểu diễn theo sở thích bà con là: Cổ Thành, Tam Hùng Kiệt, Xử án Bàng Quý Phi…
Tiếng trống chầu vang trong mỗi đêm xuân.
Cùng với đó, nhiều đoàn tuồng không chuyên của tỉnh cũng đang “cháy” hết mình trong những đêm lễ cúng, thanh minh. Ra quân sớm nhất có lẽ là Đoàn tuồng Nhơn Hưng, ngay từ mùng 1 Tết, đoàn đã biểu diễn tại TX An Nhơn. Rạng ngời trong chất giọng hơi khàn vì biểu diễn nhiều, nghệ nhân ưu tú Thu Hường (Đoàn tuồng Ánh Dương) chia sẻ, từ mùng 3 Tết, đoàn đã bắt đầu biểu diễn tại Phước An (huyện Tuy Phước), sau đó lịch biểu diễn kín tại nhiều điểm trong và ngoài tỉnh. Đoàn còn mời thêm một số diễn viên trẻ ở Nha Trang để phục vụ bà con tốt hơn.
Niềm vui tiếp nối niềm vui
Màn đêm vừa buông, đèn sân khấu đã sáng, các nghệ sĩ vẽ mặt, vào vai đào, vai kép. Người dân dần đông, tiếng trống chầu, tiếng hát bội vang vọng đến tận khuya. Theo nghệ sĩ Hoàng Minh, Trưởng đoàn tuồng không chuyên Phước An, mùa xuân là mùa vui của anh em nghệ sĩ, bởi ra Tết, nhiều nơi cúng kính, tổ chức lễ chúc thọ, thanh minh, cầu ngư nên đoàn nào cũng có được nhiều “tờ” (hợp đồng biểu diễn - PV). Đáng mừng là dù ngày nay có nhiều phương tiện giải trí nhưng mỗi khi đèn sân khấu sáng, bà con lại tập trung đông đủ, nhộn nhịp. Với người nghệ sĩ không còn gì vui hơn!
Không chỉ phục vụ tại địa phương, nhiều nghệ sĩ còn có ý thức đưa hát bội, bài chòi đến với những người không có điều kiện theo dõi. Mỗi đêm sáng đèn sân khấu, nghệ sĩ Thùy Dung (Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định) lại livestream khung cảnh biểu diễn - thưởng thức bài chòi ở mỗi địa phương. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Bạn bè facebook của tôi nhiều, đa số là nghệ sĩ và tôi thấy nên “khoe” cho mọi người biết rằng bài chòi ở đất Bình Định luôn được người dân mến mộ. Thời buổi này, bài chòi vẫn thu hút đông khán giả đến như vậy, chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào”.
Thế đó, trong cái chộn rộn của mùa xuân, trên khắp miền của Bình Định, câu ca cổ, điệu bài chòi lại được dịp ngân vang.
THẢO KHUY