Cắt giảm phí, lệ phí: Ðể trở thành “lực đẩy” hỗ trợ DN
Rà soát, cắt giảm một số khoản phí, lệ phí để DN giảm gánh nặng chi phí đầu vào, giúp giảm giá thành sản phẩm, qua đó giúp người dân có cơ hội được sử dụng sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn. Thế nhưng, còn nhiều vấn đề để việc cắt giảm phí, lệ phí thực sự trở thành “lực đẩy” hỗ trợ DN.
Chia sẻ thiết thực
Từ cơ sở sản xuất và kinh doanh cá thể, anh Võ Thái Long mạnh dạn phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Thái Long thành Công ty CP Thực phẩm sạch Thái Long. “Thời điểm thành lập DN, chúng tôi được miễn lệ phí đăng ký kinh doanh và phí cung cấp thông tin DN lần đầu đối với hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN nhỏ và vừa. Dù chưa nhiều, nhưng đó là sự chia sẻ thiết thực với DN mới”, anh Long cho hay.
DN thủy sản trong tỉnh được giảm khoản phí, lệ phí liên quan đến sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
Đây là một trong những khoản phí, lệ phí được Bộ Tài chính cắt giảm từ năm 2017 theo Nghị quyết 75/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, Bộ đã ban hành 14 thông tư sửa đổi, bổ sung quy định các loại phí, lệ phí liên quan trực tiếp chi phí đầu vào của DN. Đối với nhóm phí, lệ phí giảm mức thu, quy định giảm 50% lệ phí đăng ký DN từ 200 ngàn đồng/lần xuống 100 ngàn đồng/lần.
Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản cho biết, việc giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu, phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm giảm gần một nửa chi phí so với trước. Việc giảm phí góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới.
Với các khoản phí, lệ phí do tỉnh ban hành, điều chỉnh giảm một số loại phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của DN chủ yếu thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Phí bảo vệ môi trường thu được từ 36 DN hoạt động trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 3% tổng chi phí hoạt động của các DN. Tỉnh đã quyết định giảm mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản đá ốp lát, làm mỹ nghệ (từ 70.000 đồng/m3 xuống 60.000 đồng/m3, giảm 14%) và đá block (từ 90.000 đồng/m3 xuống 75.000 đồng/m3, giảm 17%). Theo các DN, việc giảm mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản vừa góp phần giảm chi phí đầu vào của DN vừa giúp họ có thêm một khoản để hỗ trợ các địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm
Theo nhiều DN, việc cắt giảm phí, lệ phí không chỉ giúp DN tiết giảm chi phí sản xuất mà còn có giá trị động viên tinh thần. Tuy vậy, việc cắt, giảm, các mục được cắt giảm chưa được như mong đợi; đó là chưa kể có tình trạng giảm chi phí này nhưng lại “đội” chi phí khác…
Theo bà Đồng Thị Ánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty PISICO - CTCP, tính cả trong tỉ trọng về chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của DN thì cắt giảm phí, lệ phí thời gian qua chiếm chưa tới… 1%. Các bộ, ngành và tỉnh cần đánh giá, rà soát, tiếp tục thực hiện các giải pháp cắt bỏ, miễn giảm tiếp các khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí đầu vào của DN. Đồng thời xem xét về các chính sách miễn, giảm các khoản thuế đặc biệt đối với DN nhỏ và siêu nhỏ. “Vấn đề được DN rất quan tâm là cắt giảm phải thực chất để không phát sinh “chi phí vô hình” bằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục thanh kiểm tra”, bà Ánh nêu đề xuất.
“Mức miễn, giảm phí, lệ phí hiện không nhiều, nhưng thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước và DN, góp phần nào giảm chi phí cho DN. Thực hiện Kế hoạch 76/KH-UBND về Chương trình hành động cắt giảm chi phí DN trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành cuối năm 2018, Sở Tài chính đã đề nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội, hội ngành nghề rà soát các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh ảnh hưởng đến chi phí lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để đề xuất miễn, giảm”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh.
MAI HOÀNG