Người có tiền sử tim mạch nên lưu ý
Những ngày này thời tiết thay đổi thất thường, cơ thể người, nhất là người già khó thích ứng dễ dẫn tới một số biến cố tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não (đột quỵ)... nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Để phòng bệnh, nên đo huyết áp hàng ngày, giữ ấm cho cơ thể nhất là phần đầu, cổ, bàn chân.
Những dấu hiệu dễ dẫn đến đột quỵ mà ta cần lưu ý là: nói lắp, tê liệt, bất ngờ cảm thấy đi lại khó khăn, hoa mắt, chóng mặt - đây là dấu hiệu rất phổ biến của bệnh đột quỵ do hiện tượng thiếu oxy cung cấp cho não.
Bác sĩ Trần Văn Trung, Trưởng khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh), nhắc nhở: “Để phòng bệnh, nên đo huyết áp hàng ngày, giữ ấm cho cơ thể nhất là phần đầu, cổ, bàn chân. Ăn nhạt, ít dầu mỡ, ít chất đạm, tăng cường nhiều chất xơ, ăn vừa phải không ăn quá no, không dùng chất kích thích bia rượu, thuốc lá. Phải uống thuốc đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý thay thuốc. Khi huyết áp tăng cao, dùng thuốc mà không hạ nên đi khám chuyên khoa chứ không tự tăng liều thuốc, không tự ý ngừng thuốc. Khi đi ra ngoài, nhất là đi xa, người bệnh cần luôn mang theo thuốc huyết áp trong người. Có thể xảy ra những cơn ngừng thở vào đêm khuya vì sức đề kháng cơ thể yếu, dễ gây tử vong, nên khi thấy có nhịp thở bất thường nên nhờ nhân viên y tế đến khám và xử lý cấp cứu kịp thời.
Người có tiền sử về tim mạch nên tránh căng thẳng, lo âu quá mức, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý, không gắng sức, không nên thức dậy và ra ngoài tập thể dục sớm, thay vào đó là tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà. Đối với người tăng huyết áp, khi thời tiết lạnh không nên tắm gội hàng ngày và cùng một lúc. Đặc biệt, khi thấy trong người có những dấu hiệu bất thường như: nói khó, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... cần thông báo để gia đình đưa đến bệnh viện hoặc mời bác sĩ đến nhà khám ngay để có hướng điều trị phù hợp, bởi đó là những dấu hiệu của đột quỵ”.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)