Thực hiện đề án “sưu tầm tài liệu quý, hiếm giai đoạn 2018 - 2022”: Ðãi cát tìm vàng
Tài liệu quý, hiếm lẩn khuất đâu đó trong từng căn nhà cổ, mái chùa thâm u. Tìm được những tài liệu ấy, dịch rõ nghĩa và đưa vào phục vụ cộng đồng là công việc thầm lặng của Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh.
Sau một thời gian tản mác, hoạt động sưu tầm tài liệu quý, hiếm qua các thời kỳ lịch sử đã được triển khai bài bản với các kế hoạch cụ thể qua Đề án “Sưu tầm tài liệu quý, hiếm giai đoạn 2018 - 2022” do UBND tỉnh ban hành.
Đãi cát tìm vàng
Theo Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ (VTLT) tỉnh Phan Minh Lý, nhiều nơi trong tỉnh còn lưu giữ các tài liệu quý, hiếm liên quan đến triều Nguyễn, đa phần được lưu giữ trong các làng, họ tộc, tư gia. Ngoài một số thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai, không ít tài liệu quý, hiếm bị mối mọt, hủy hoại do không có điều kiện bảo quản. Vì vậy, việc sưu tầm các tài liệu này rất cấp thiết.
Sao chụp, lưu giữ tài liệu quý hiếm là công việc tỉ mỉ, công phu.
Trong năm 2018, đoàn công tác của Chi cục VTLT tỉnh đã phối hợp với Phòng Nội vụ các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn tổ chức khảo sát, lập danh mục và sao chụp tài liệu quý, hiếm tại các đền, miếu, đình, chùa, gia đình, dòng họ, cá nhân tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử. Tại huyện Tuy Phước, đoàn đã sao chụp được 21 sắc phong, 4 tư liệu. Trong đó, miếu Thị Kiều (xã Phước Hiệp) có 2 sắc phong; đình Tuân Lễ (xã Phước Hiệp) có 12 sắc phong; gia đình họ Đặng (Đặng Thành Đôn, ở thị trấn Diêu Trì) có 7 sắc phong và gia đình họ Nguyễn (Nguyễn Tường, ở xã Phước Quang) có 4 tư liệu. Tại huyện Phù Cát, đoàn đã sao chụp, scan được 1 sắc phong và 6 tư liệu Hán - Nôm lưu giữ ở chùa Hoằng Nhơn (xã Cát Nhơn).
Các tài liệu quý, hiếm sưu tầm được chủ yếu có từ thời vua Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh, Duy Tân. Trực tiếp biên dịch các tài liệu này, TS Võ Minh Hải - Phó trưởng khoa Ngữ văn (Trường ĐH Quy Nhơn), cho hay: “Các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm chủ yếu liên quan đến các vấn đề lịch sử, văn hóa, địa dư, văn học và danh nhân Bình Định. Được sưu tập và biên dịch rõ ràng, các tài liệu này sẽ phục vụ tốt cho nhu cầu của các gia đình, dòng tộc muốn tìm hiểu về lịch sử tộc họ, các nhà nghiên cứu muốn viết về lịch sử địa phương thời kỳ phong kiến”.
Tích cực tuyên truyền, vận động
Trên thực tế, nguồn tài liệu quý, hiếm hiện còn phân tán rất nhiều nơi; gây hạn chế rất lớn cho việc sưu tầm, bảo quản và khai thác giá trị của tài liệu. “Qua khảo sát, tài liệu đã được phát hiện lưu giữ trong cộng đồng và đa số chưa được áp dụng chế độ bảo quản khoa học mà tự cất giữ, bảo quản trong hình thức thô sơ, để mối mọt, ẩm mốc gây hư hỏng nhiều, ít còn nguyên vẹn”, Trưởng phòng Lưu trữ lịch sử (Chi cục VTLT tỉnh) Nguyễn Minh Nhật nhận định.
Phó Chi cục trưởng Chi cục VTLT tỉnh Lê Xuân Cẩm (trái) trao bản dịch sắc phong cho đại diện ban quản lý miếu Thị Kiều (xã Phước Hiệp).
Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động các cá nhân, gia đình, dòng họ tặng, cho, ký gửi tài liệu vào Lưu trữ lịch sử, hoặc thỏa thuận mua theo quy định của Nhà nước. Bởi, nhiều người coi đây là bảo vật của tổ tiên, ông bà để lại cho con cháu nên không thể giao nộp vào Lưu trữ.
Tỉ mỉ, công phu
Tìm được tài liệu quý, hiếm đã khó, công đoạn đưa tài liệu về Lưu trữ tỉnh càng cực nhọc. Ðoàn công tác của Chi cục VTLT tỉnh phải vận chuyển máy móc đến nơi lưu giữ tài liệu, scan tại chỗ và trả ngay bản gốc. Bản sao mang về Chi cục để tu bổ, phục chế, hoàn thiện như bản gốc; sau đó mời chuyên gia biên dịch. Bản sao được lưu trữ bằng giấy lẫn file ảnh. Bản sao, bản dịch sẽ tặng lại cho nơi lưu giữ tài liệu. “Giấy dó làm bản sao để tặng phải đặt tận Hà Nội. Thật khó để diễn tả được sự tỉ mỉ, công phu của công việc này”, ông Lê Xuân Cẩm chia sẻ.
Do đó, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục VTLT tỉnh Lê Xuân Cẩm, công tác tuyên tuyền sẽ được đẩy mạnh để cộng đồng, nhân dân thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu quý, hiếm qua các thời kỳ lịch sử của tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố trong việc khảo sát, lập danh mục đối với tài liệu quý, hiếm tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác sưu tầm đạt hiệu quả.
“Mở rộng ra, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia để tra cứu, lập danh mục hồ sơ, tài liệu có giá trị liên quan đến Bình Định qua các thời kỳ lịch sử; hợp đồng đưa về Lưu trữ tỉnh để bảo quản, khai thác, tạo nguồn sử liệu phong phú”, ông Cẩm cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG