Bình yên làng bệnh phong Quy Hòa
Những năm gần đây, làng bệnh phong Quy Hòa được nhắc đến là khu sinh thái bình yên và thơ mộng được nhiều người ghé thăm.
Trước đây, làng bệnh phong Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định lặng lẽ và kín đáo như một góc khuất nhỏ nơi phố biển Quy Nhơn. Những năm gần đây, làng này được nhắc đến là khu sinh thái bình yên và thơ mộng được nhiều người ghé thăm.
Các bệnh nhân phong tại khoa lão
Sự e ngại với những bệnh nhân phong không còn nữa. Thay vào đó là những đồng cảm, yêu thương và ấm áp tình người. Cũng chính nơi đây, nhiều nam, nữ bệnh nhân phong nên nghĩa vợ chồng, sinh ra những đứa con lành lặn, học hành tiến bộ mong muốn trở về chữa bệnh cho bà con.
Làng phong Quy Hòa (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa), thành phố Quy Nhơn, nằm lọt giữa thung lũng bình yên bên bờ biển. Ngôi làng này là nơi an cư của hơn 250 hộ gia đình với hơn 400 bệnh nhân phong đến từ khắp cả nước. Ở làng phong, mỗi phận người là một câu chuyện dài đầy bi kịch, nỗi đau của thể xác lẫn tinh thần. Họ về đây sống vui vẻ bên nhau.
Bà Hồ Thị Nguyệt, 80 tuổi, quê ở thành phố Huế gần 20 năm sống tại làng phong Quy Hòa. Bà Nguyệt mắc bệnh phong từ năm 20 tuổi. Chị gái và em trai của bà cũng mắc bệnh này. Mong ước của bà Nguyệt là được sống gắn bó với bà con làng phong đến cuối đời.
“Điều trị ở đây các bác sĩ, y tá rất chu đáo, việc ăn uống hơn trước. Lâu lâu có đoàn từ thiện vào cho thì mình mua thêm thức ăn cho ngon. Tôi vào bệnh viện này thì thấy thoải mái hơn, phong cảnh nơi đây lúc nào cũng đẹp, có sửa chữa thêm. Tôi xem nơi đây chính là ngôi nhà của mình”, bà Nguyệt tâm sự.
Những đứa trẻ tại làng phong được chăm sóc chu đáo, khỏe mạnh.
Làng phong Quy Hòa có 255 căn nhà của nhiều tổ chức từ thiện xây dựng tặng bệnh nhân. Những mái ấm gia đình ở làng phong Quy Hòa là những câu chuyện về tình yêu không tật nguyền. Câu chuyện về số phận của chị Pơ Sen, quê ở Gia Lai được nhiều người trong làng phong biết đến. Chị từng có tình yêu đẹp nhưng người đàn ông đó khi biết chị mắc bệnh phong đã bỏ chị mà đi. Về sống ở làng phong Quy Hòa, chị gặp người đàn ông khác cùng cảnh ngộ. Anh và chị chia sẻ yêu thương, vui buồn có nhau. Vợ mất chân, chồng mất tay, họ dựa vào nhau để sống.
Pơ Sen tâm sự: “Hồi gặp ông ấy đến nay đã 15 năm. Cả 2 người cũng đều tàn phế, bệnh tật, tay chân không có, cuộc đời không con khổ lắm. Ông ấy lớn tuổi nhưng rất tốt, hai người sống góp gạo nấu cơm chung, lúc đau ốm thì giúp đỡ, chăm sóc nhau”.
Một buổi chiều bình yên tại làng phong Quy Hòa.
Người dân làng phong Quy Hòa còn phải bươn chải bằng nhiều nghề để kiếm sống. Người bệnh nhẹ thì đi biển đánh cá, lên rừng trồng cây… Người bệnh nặng ngồi 1 chỗ sống nhờ tiền trợ cấp. Điều trị bệnh cho những người ở làng phong, các y bác sĩ Bệnh viện Phong và da liễu Trung ương Quy Hòa đã tích cực vận động các tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ.
Nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã chung tay góp sức xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và đào tạo nghề cho con em bệnh nhân; Hỗ trợ xây dựng trường mẫu giáo, nhà trẻ, mua dụng cụ học sinh, trồng cây xanh trong khuôn viên Bệnh viện. Con em của họ đã vươn lên trong học tập, đạt nhiều thành tích cao, nhiều em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Ngôi trường mẫu giáo ở trong làng phong Quy Hòa hằng ngày vẫn rộn vang tiếng cười đùa của con trẻ. Chị Nguyễn Thị Minh Ái, giáo viên mầm non Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn cho biết, các em ở làng phong cần được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn.
“Các cháu điều kiện còn thiếu thốn nên phải quan tâm đến cháu hơn. Mình thương trẻ thì trẻ thương mình, chăm sóc các cháu như con của mình vậy. Các em vẫn còn ngây thơ, chưa hiểu được bệnh tật là gì, mình quan tâm, dành những gì tốt nhất cho các cháu là được”, chị Minh Ái nói.
Khung cảnh thơ mộng tại làng phong được nhiều du khách ghé chụp hình.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết, thời gian qua, các y, bác sĩ tại đây luôn nỗ lực chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân phong. Nhiều bác sĩ tình nguyện ở lại làng phong, tận tình chăm sóc bệnh nhân phong như người thân của mình. Theo bác sĩ Vũ Tuấn Anh, mong muốn của các bác sĩ là tạo một môi trường bệnh viện thoải mái với không gian sinh thái đẹp để bệnh nhân phong vơi đi nỗi đau bệnh tật.
“Mục đích của mình là làm cho người bệnh được hòa với thiên nhiên để tâm hồn của họ được thoải mái, sống trong khung cảnh tốt, bớt đi nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần. Người bên ngoài vào chơi, tham quan thì xóa nhòa khoảng cách giữa người bệnh với người lành để người bệnh cảm thấy họ cũng giống như những người bình thường khác”, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.
Như một nơi bình yên bên miền chân sóng, làng phong Quy Hòa ngày nay đã có rất nhiều thay đổi và trở thành điểm đến của nhiều người./.
Theo Thanh Hiếu (VOV)