Không nên chủ quan khi đi xe đạp điện
Những năm gần đây, lượng người sử dụng xe đạp điện (XÐÐ) tham gia giao thông tăng nhanh, nhất là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên người sử dụng phương tiện này thường chủ quan, không tuân thủ một số quy định nên nguy cơ dẫn đến tai nạn khi tham gia giao thông khá cao.
Theo số liệu thống kê của Đội CSGT Công an TP Quy Nhơn: Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử phạt 577 trường hợp XĐĐ vi phạm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi hàng ba trở lên… Bên cạnh đó, các vụ va quẹt, tai nạn giao thông giữa XĐĐ với các phương tiện khác cũng tăng nhanh, nhưng phần lớn người dân không báo cho lực lượng CSGT mà tự giải quyết, thỏa thuận với nhau.
XĐĐ được đối tượng học sinh, sinh viên sử dụng nhiều vì phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu đi lại và khả năng kinh tế của các em. Tuy nhiên, do không có hệ thống đèn xi-nhan, hệ thống phanh kết cấu như xe đạp, không đảm bảo an toàn khi xe chạy ở tốc độ cao, không có gương chiếu hậu, không tạo ra tiếng nổ động cơ nên không gây được chú ý phòng tránh cho những người cùng tham gia giao thông; XĐĐ có thể chạy với vận tốc đến 40 km/giờ trong khi bánh xe nhỏ, gây khó khăn trong việc điều khiển phương tiện nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
Luật sư Trần Lâm Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Phú Hải, cho biết: XĐĐ nằm trong danh mục chịu sự quản lý sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất ATGT cao của Bộ GTVT theo Thông tư số 63/ TT-BGTVT (ban hành ngày 22.12.2011). Nhưng hiện nay, Nhà nước chưa ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng, độ an toàn, mẫu mã của XĐĐ nên cơ quan chức năng địa phương chưa đủ cơ sở pháp lý để kiểm soát chặt chẽ loại phương tiện này khi tham gia giao thông hoặc mua bán.
Trong khi chờ đợi những văn bản hướng dẫn chi tiết về quản lý, sử dụng XĐĐ tham gia giao thông của cơ quan chức năng, người điều khiển XĐĐ cần tuân thủ những quy định về ATGT như phải đội mũ bảo hiểm, không lạm dụng tốc độ, đi đúng phần đường; không lạng lách đánh võng, chen ngang, nhất là chú ý kiểm tra thường xuyên hệ thống phanh. Bên cạnh đó lực lượng CSGT cần tăng cường kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp sử dụng XĐĐ vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
PHÚC LỘC
Đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiễm,phóng nhanh,vuợt ẩu,giành đường.Thành phần này thuộc về các em học sinh cấp 2-3.trong giờ đi học,giờ tan trường.Đề nghị Cảnh sát Giao thông bắt tạm giữ xe gởi giấy báo cho gia đình đến nộp phạt và chuyển giấy báo đến nhà trường Để ban giám hiệu nhà trường xếp hạnh kiểm yếu.Chứ không để "mất bò mới lo làm chuồng "là lỗi thời rồi.
Cụm từ "xe đạp" nghe có vẻ an toàn khi người ta sử dụng xe đạp điện. Nhưng thực ra, nó cũng nguy hiểm cho người điều khiển khi đi với tốc độ cao, nhất là giới học sinh trường học. Bởi vì tốc độ của xe đạp điện mà nhiều em chạy đạt từ 30-40 km/h, thậm chí, khi có trớn rồi lên đến 45km/h. Tốc độ thì ngang xe máy, nhưng nguy hiểm hơn xe máy là bộ phận thắng của xe đạp điện kém hiệu quả, thắng không ăn. Hơn nữa, các em hầu như không đội mũ bảo hiểm, nên vừa gây nguy hiểm cho người khác, vừa nguy hiểm cho mình. Đề nghị phụ huynh các em cần giáo dục, răn đe việc này, nhất là các em nam.