Việt Nam - “nguồn cảm hứng của hòa bình”
Dư luận Việt Nam đang dành nhiều sự quan tâm tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra trong tuần này tại Hà Nội, với niềm vinh dự và tự hào vì Việt Nam là nước chủ nhà một sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, không rõ vì sao một số người lại tỏ ra kém vui, thậm chí có các hành động xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, vị thế đất nước, kích động chống phá hòng làm méo mó hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Hà Nội chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Ảnh minh họa. Nguồn: saigondautu.com.vn
Việt Nam - Nguồn cảm hứng của hòa bình
Có lẽ ngạc nhiên nhất là luận điệu, mà thoạt nghe đã thấy ngay sự phi lý, khi biến hiện thực là những lợi ích quốc gia của Việt Nam có được khi đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thành cái gọi là phục vụ lợi ích cá nhân của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Sự thật là sự kiện này càng góp phần khẳng định vai trò và vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên cùng mối quan hệ đối đầu Mỹ-Triều là một trong những “nút thắt” khó gỡ nhất trong quan hệ quốc tế. Việc đăng cai tổ chức sự kiện cho thấy sự tham gia tích cực cùng khả năng của Việt Nam đóng góp giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện nay. Đây cũng chính là dịp để truyền thống yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu và luôn nỗ lực để gìn giữ hòa bình của dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thế hệ được tỏa sáng.
Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên cho thấy nhiều nỗ lực để cuộc gặp đạt được những kết quả mà hai bên mong muốn, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, nếu cái bắt tay lịch sử ở Singapore đã tạo bước ngoặt quan trọng phá băng mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Triều thì Thủ đô Hà Nội - trái tim của Việt Nam - sẽ là nơi đặt dấu mốc cho một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ-Triều, với xu thế chủ đạo là hợp tác, đối thoại, cùng nhau nỗ lực vì hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Đó cũng là nhận định chung của các nhà quan sát, học giả quốc tế khi nhìn nhận về sự kiện này. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược khu vực Addel Moneim Said, trên Báo điện tử Al-Ahram và Báo Al-Ahram Weekly của Ai Cập, sau khi đánh giá lại những kết quả tích cực trong lần gặp đầu tiên ở Singapore, đã dự báo về những kết quả tốt đẹp sẽ đạt được tại Việt Nam. Sự kiện này cũng cho thấy Việt Nam được nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tin tưởng, kỳ vọng sẽ là nơi đạt được thỏa thuận cuối cùng và thắng lợi cho các bên.
Đọc những dòng phân tích trên càng thấy rõ luận điệu cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều phục vụ cho lợi ích của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam chỉ là câu chuyện bịa đặt của những người có thái độ thiếu thiện chí, cái nhìn lệch lạc, hòng bôi nhọ uy tín lãnh đạo Việt Nam. Với cái nhìn thiển cận, những kẻ như vậy làm sao hiểu được lợi ích ở đây đã vượt lên cả lợi ích quốc gia, bởi triển vọng tích cực trong quan hệ Mỹ-Triều sẽ đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.
Sự thật là sự lựa chọn Việt Nam một cách khách quan của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un có ý nghĩa to lớn đối với đất nước. Đây là dấu ấn cho niềm tin đối với uy tín của Việt Nam với cả hai quốc gia Mỹ và Triều Tiên. Mặt khác, điều đó cũng cho thấy mối quan hệ tốt đẹp và ngày càng phát triển giữa Việt Nam với hai quốc gia này. Mỹ hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong khi Triều Tiên là nước bạn bè quan hệ truyền thống. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã có được diện mạo đổi mới nhanh chóng, đạt được các thành tựu phát triển to lớn, trở thành điểm đến tin cậy của bạn bè quốc tế… Điều này được các nguyên thủ quốc gia, chính khách quốc tế nhiều lần khẳng định trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao với các nhà lãnh đạo Việt Nam, với sự tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và ngày càng phát triển hơn nữa. Giới truyền thông quốc tế không tiếc lời ca ngợi những đổi thay kỳ diệu ở Việt Nam sau chiến tranh. Giới đầu tư quốc tế cũng lựa chọn Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên mà họ nhìn thấy nhiều cơ sở để tin vào sự thành công…
Hãy xem Singapore, nước chủ nhà đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2018 đã đạt được những lợi ích như thế nào từ sự kiện này. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thừa nhận lợi ích quan trọng, đó là “việc lựa chọn (Singapore) nói lên nhiều điều về mối quan hệ của Singapore với các bên, với Mỹ, với Triều Tiên, thể hiện vị thế của chúng ta trên trường quốc tế”.
Với khoảng 2.600 phóng viên quốc tế đến Việt Nam để đưa tin về sự kiện, con số cao hơn ở Singapore năm 2018 (2.500 phóng viên), tin chắc cái tên Việt Nam sẽ đồng loạt xuất hiện với mức độ dày đặc trên các mặt báo lớn nhỏ khắp thế giới, cũng như Singapore vào thời điểm đó năm ngoái. Con số thống kê cho thấy, một ngày trước khi sự kiện chính thức diễn ra, chỉ riêng ở Mỹ, "Singapore" là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. “Singapore ở đâu”, “Múi giờ Singapore”… trở thành mối quan tâm hàng đầu trong nhiều ngày.
Trước thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump chính thức thông báo cuộc gặp sẽ diễn ra ở Việt Nam, những thông tin về dải đất hình chữ S, về sự kiện gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo xuất hiện tràn ngập trên báo chí thế giới. Báo chí Séc đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong công tác đăng cai tổ chức sự kiện, đồng thời nêu bật ý nghĩa của sự kiện đối với Việt Nam cũng như phân tích vì sao Việt Nam được lựa chọn. Truyền thông Séc cho rằng, một trong những lý do quan trọng khiến Mỹ và Triều Tiên nhất trí lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức cuộc gặp, đó là Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Washington cũng như Bình Nhưỡng và hai nước đều có đại sứ quán tại Hà Nội.
Theo nhà báo Roman Janouch của Nhật báo Séc, Việt Nam là điểm đến an toàn và là quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, nhất là thông qua việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn trong thời gian gần đây, như APEC 2017. Tờ Japan Times của Nhật Bản cũng đánh giá “Việt Nam là một lựa chọn lý tưởng cho cuộc gặp. Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả Mỹ và Triều Tiên, có bộ máy an ninh hoạt động rất hiệu quả, luôn được các nhà lãnh đạo nước ngoài đánh giá cao. Tác giả bài viết còn cho rằng, quốc gia này cũng dày dạn kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế, trong đó phải kể tới APEC 2017 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018 tại Hà Nội…
“Di sản của chiến tranh là nguồn cảm hứng hòa bình” là cách đề cập của nhà phân tích chính trị Arab Mahmoud Al-Adam trong bài viết trên trang mạng Al-Jazeera về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tác giả cho rằng chiếc chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Donald Trump mang đến những tín hiệu hòa bình giữa hai quốc gia “không đội trời chung”. Sẽ thật có ý nghĩa khi hòa bình đạt được ở Hà Nội, thủ đô duy nhất trong 15 năm qua ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nhận giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Và càng có ý nghĩa hơn khi ngay tại Việt Nam-đất nước được coi là biểu tượng tuyệt vời của ý chí và nghị lực vươn lên, gác lại quá khứ thù hận, hướng tới tương lai trong quan hệ với Mỹ, để trở thành một quốc gia hội nhập sâu rộng với thế giới, mở rộng quan hệ quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy của các nước-Mỹ và Triều Tiên sẽ vượt qua những bất đồng để xây dựng một tương lai hòa bình, hợp tác và phát triển.
Ông Mintaro Oba, cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên đánh giá rằng: “Lựa chọn Việt Nam rất phù hợp về mặt logic, khả thi về mặt ngoại giao và có ý nghĩa biểu tượng quan trọng”. Ông nhấn mạnh tới lý do quan trọng: Việt Nam là hình mẫu về một quốc gia đã tiến hành cải cách kinh tế thành công và bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau chiến tranh.
Đó chính là những thành quả tuyệt vời nhờ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế… được đánh giá là rất thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta tin tưởng rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước, góp phần quan trọng cho hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới. Cái tên Việt Nam sẽ còn được thế giới tiếp tục nhắc tới như một điểm đến của hòa bình, hòa giải, góp phần khẳng định uy tín, vai trò và vị thế của Việt Nam. Trong xu thế phát triển không ngừng và vận nước đang lên, những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam sẽ mãi chỉ là những tiếng kêu lạc lõng.
Theo MỸ HẠNH (Quân Đội Nhân Dân)