Quản lý thuế kinh doanh vận tải: Ðừng để “bắt cóc bỏ đĩa”
Dù đã có những chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp giữa hai ngành Thuế và GTVT, nhưng tình trạng thất thu thuế kinh doanh vận tải vẫn diễn ra. Chưa kể, do thiếu thống nhất và đồng bộ đã tạo ra bất bình đẳng trong quản lý thuế lĩnh vực này.
Huyện Hoài Nhơn làm mạnh quản lý thuế kinh doanh vận tải.
- Trong ảnh: Hoạt động kinh doanh vận tải tại một doanh nghiệp trên địa bàn.
Siết đầu này, lỏng đầu kia
Có cả ngàn phương tiện vận tải đến từ 28 DN và nhiều hộ kinh doanh, năm 2018 huyện Hoài Nhơn là một trong số ít địa phương làm mạnh công tác phối hợp quản lý thuế kinh doanh vận tải theo quy chế ký kết giữa Cục Thuế tỉnh, Sở GTVT. Qua đó, đã rà soát, kiểm tra và truy thu thuế, phạt trốn thuế 8 phương tiện vận tải của cá nhân, truy thu thuế 470 triệu đồng. Đối với DN, ngành Thuế phối hợp CA huyện xác minh các chủ phương tiện vận tải cho thuê xe, lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại trụ sở DN; kết quả, DN tự kê khai bổ sung và xử lý 482 triệu đồng, giảm lỗ gần 1,7 tỉ đồng.
“Cần có cơ chế chung về quản lý thuế kinh doanh vận tải giữa các đơn vị Trung ương để thống nhất mô hình quản lý cả nước”.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh ĐÀO HỮU PHÚC
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại Taxi Trang Hiệp Thành cho hay, chưa kể thuế thu nhập DN tự kê khai và tự nộp hàng năm hàng trăm triệu đồng, riêng thuế giá trị gia tăng cho gần 90 đầu xe hoạt động của đơn vị khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, khi siết chặt thì những bất cập bắt đầu nảy sinh. Theo quy định kinh doanh vận tải tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT, phương tiện phải gắn phù hiệu mới được phép lưu thông. Điều này buộc cá nhân phải chuyển phương tiện vận tải vào đơn vị kinh doanh vận tải để được cấp phép. Từ đây phát sinh hiện tượng, lợi dụng chính sách thuế quy định không thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, một số DN ký hợp đồng thuê xe theo yêu cầu của chủ phương tiện vận tải chỉ để được cấp phù hiệu vận tải, thu tiền dịch vụ, tiếp tay cho chủ phương tiện trốn thuế. “Chính những điều trên ảnh hưởng đến chất lượng kinh doanh vận tải, khiến những đơn vị chấp hành tốt nghĩa vụ thuế bị thiệt thòi”, một DN vận tải tại Hoài Nhơn nói.
Từ 500 đầu xe, đến nay HTX Vận tải huyện Phù Mỹ chỉ còn 60 đầu xe. “Chênh lệch thấy rõ khi xe đăng ký ở các sở GTVT tỉnh, thành khác chỉ đóng phí quản lý vài triệu đồng/năm, còn đăng ký ở Bình Định phải chịu thuế và các khoản phí gần 32 triệu đồng/năm, khiến các chủ xe lần lượt rút xe đi địa phương khác đăng ký”, ông Đặng Văn Quý, Giám đốc HTX phân tích.
Khi đối chiếu thực tế tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn, chúng tôi thấy rất nhiều xe mang biển kiểm soát 77 của tỉnh Bình Định, nhưng phù hiệu quản lý thì không phải do Sở GTVT Bình Định cấp. Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định cho biết, bình quân mỗi ngày có khoảng 24 xe xuất bến, nhưng xe do Sở GTVT tỉnh cấp phù hiệu quản lý chỉ… vài chiếc.
Cần đồng bộ trong quản lý
Đến nay, Cục Thuế tỉnh và Sở GTVT đã phối hợp thông tin, thực hiện rà soát, kiểm tra thực hiện nghĩa vụ thuế đối với 3.925 phương tiện vận tải được cấp phù hiệu. Qua đó, phát hiện 8 phương tiện lập hợp đồng khống để cấp phù hiệu đã xử lý truy thu thuế; đưa vào quản lý thuế 703 phương tiện hợp tác kinh doanh với các DN, HTX với số thuế 328 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Văn Diệt, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thuế huyện Hoài Nhơn, xác định nguồn thất thu thuế kinh doanh vận tải rất lớn, địa phương đã kiến nghị Cục Thuế tỉnh đề nghị Sở GTVT chỉ cấp mới phù hiệu vận tải hoặc đổi phù hiệu cho các chủ phương tiện khi đã chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, ông Đặng Cao Thanh, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT) cho hay, riêng năm 2018, có tới hơn 1.200 xe chuyển sang đăng ký hoạt động ở các tỉnh khác. Muốn giải quyết hiện tượng này phải điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô, tức phải đồng bộ, thống nhất từ Trung ương, tỉnh không thể tự đặt ra quy định cấp phù hiệu, hoặc xác nhận cho xe đến địa phương khác đăng ký phù hiệu phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đào Hữu Phúc cho rằng, cần có cơ chế chung về quản lý thuế kinh doanh vận tải giữa các đơn vị Trung ương để thống nhất mô hình quản lý cả nước. Riêng với tỉnh, ngành Thuế và GTVT tăng cường quản lý các chủ phương tiện vận tải nằm ngoài danh sách, các địa phương phối hợp rà soát để đưa vào diện quản lý. Tiến hành cưỡng chế các chủ phương tiện vận tải cố tình chây ỳ, không chấp hành nộp thuế. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra phương tiện sử dụng phù hiệu kinh doanh vận tải gắn với thực hiện nghĩa vụ thuế.
MAI HOÀNG