Ngăn chặn nạn xung điện xiếc máy trên đầm Thị Nại: Chờ các biện pháp đủ mạnh
Hoạt động xung điện xiếc máy trên đầm Thị Nại hiện đang diễn biến phức tạp là do chưa có lực lượng chuyên trách xử lý và chế tài chưa đủ mạnh. Với những quy định pháp luật mới được ban hành, hy vọng việc xử lý các hành vi vi phạm trên sẽ hiệu quả hơn.
Ghe hoạt động XĐXM đậu trên đầm Thị Nại.
Từ sau Tết Kỷ Hợi 2019, đi dọc tuyến đê Đông qua địa bàn 2 thôn Nhân Ân và Lộc Hạ của xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, chúng tôi nhìn thấy hàng chục ghe xung điện xiếc máy (XĐXM) với gọng xiếc có lưới và dây điện đậu nghênh ngang trên mặt đầm. Ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Lộc Hạ, hành nghề lưới gõ, bức xúc: “Trước đây, khi về bến, sợ đội phòng chống XĐXM phát hiện, họ còn tháo gọng xiếc ra giấu đi. Giờ thì cứ để vậy, bởi chỉ có lệnh bắt khi đang hoạt động, còn đậu đỗ thì vô tư. Thế nên, cứ đến khuya là họ nổ máy đi cào. Bà con làm nghề truyền thống chúng tôi nhiều lần phản ánh với chính quyền, đại biểu HĐND các cấp, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Số ghe hoạt động đánh bắt XĐXM và lưới lồng tăng lên từng ngày, vì người này thấy người kia làm được thì mình cũng làm được. Họ còn kết đoàn, toán thông tin cho nhau mỗi khi lực lượng chức năng ra quân. Chúng tôi nói thì họ hung hăng chửi, ném đá, hay cho ghe ủi luôn chồ rớ, lưới nên không ai dám động đến họ cả”.
Ðầu những năm 2000, huyện Tuy Phước đã thành lập Ðội chuyên phòng chống XÐXM, biên chế lực lượng và trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ hoạt động tuần tra. Ðến năm 2011, tiếp tục thành lập Hội đồng điều hành liên xã (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng) quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản bắc đầm Thị Nại. Việc triển khai các phương án này tuy đã có những kết quả nhất định, nhưng theo nhân dân địa phương, do làm chưa cương quyết, ra quân mang tính phong trào, không kiên trì thuyết phục… nên đã làm cho một số đối tượng hoạt động XÐXM “lờn mặt”, không chấp hành pháp luật. Mặt khác, các chế tài xử lý theo pháp luật chưa đủ mạnh để các đối tượng từ bỏ nghề cấm, nên hoạt động này vẫn âm ỉ và diễn biến phức tạp.
Ông Huỳnh Văn Trinh, Trưởng thôn Nhân Ân, cũng thừa nhận: “Trước đây, cả thôn chỉ có khoảng 30 ghe hoạt động nghề cấm, giờ thì có đến 50 - 70 ghe. Khi ngành chức năng ra quân thì họ nằm bờ, hết ra quân là hoạt động lại bình thường. Tổ đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản của xã đến tận nhà tuyên truyền, động viên làm cam kết chuyển nghề, hứa thì họ vẫn hứa, nhưng không thực hiện, bởi lợi nhuận sau mỗi lần khai thác tôm, cá khá cao, 3 - 7 triệu đồng/đêm”.
Ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, Chủ tịch Hội đồng điều hành liên xã quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản bắc đầm Thị Nại, nhìn nhận: Do chưa có chế tài đủ mạnh nên hoạt động XĐXM ở địa phương có chiều hướng gia tăng. Xã kiến nghị ngành chức năng xử lý các ghe thuyền có gọng xiếc ngay tại bến bãi, chứ chờ bắt quả tang khi đang hoạt động khó vô cùng. Năm 2018, địa phương chưa xử lý được trường hợp nào hoạt động XĐXM. Bên cạnh đó, huyện, tỉnh cần thành lập lực lượng chuyên trách thường xuyên tuần tra trên đầm. Có như vậy mới xử lý rốt ráo được tình trạng hành nghề cấm, chứ lâu lâu mới ra quân như hiện nay thì kết quả mang lại không cao.
Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Quang Ân, Phó Phòng NN&PTNT huyện, Đội trưởng Đội phòng chống XĐXM huyện Tuy Phước, cho rằng: Thời gian qua, hoạt động nghề cấm trên đầm Thị Nại diễn biến phức tạp là do chưa có lực lượng chuyên trách xử lý và chế tài chưa đủ mạnh. Luật Thủy sản có hiệu lực từ 1.1.2019 và Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, sẽ là văn bản pháp lý để thành lập lực lượng kiểm ngư. Từ đó, huyện sẽ kiện toàn lực lượng này. Bên cạnh đó, tháng 1.2019, Sở NN&PTNT đã gởi phương án xử lý XĐXM trên đầm Thị Nại để huyện tham gia đóng góp, trong đó có đề xuất xử lý các ghe hoạt động XĐXM tại bến bãi. Sau khi phương án được hoàn thiện và triển khai thực hiện trong quý II này, hy vọng việc xử lý các ghe đánh bắt thủy sản bằng XĐXM sẽ hiệu quả hơn.
XUÂN THỨC