Nhiều trường đại học "chạy đua" mở ngành mới
Hàng loạt ngành học mới được các trường đại học tại TPHCM đưa vào trong dự kiến kỳ tuyển sinh năm 2019, trong số đó có cả những ngành có tên “độc, lạ”. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thời đại, những ngành mới ra đời cũng là cách các trường phải tạo ra thật nhiều sức hút để tuyển sinh.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2019
Logistics là ngành thời thượng?
Năm 2019, hàng loạt trường ĐH tại TPHCM mở ngành mới và dự kiến tuyển ngay trong kỳ tuyển sinh năm nay. Cụ thể, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM vừa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo bậc ĐH ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trong kỳ tuyển sinh 2019. Trường cũng dự kiến mở thêm 2 ngành mới là ngành Luật và ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong kỳ tuyển sinh sắp tới này.
Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng dự kiến sẽ đưa ra 4 ngành mới khá hấp dẫn cho mùa tuyển sinh này. Trong đó gồm các ngành: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Điều dưỡng; Kỹ thuật xét nghiệm y học và Ngôn ngữ Trung Quốc.
Theo công bố của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cuối tháng 1/2019, Bộ GD-ĐT cũng quyết định cho phép trường tuyển sinh ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ngành Luật. Nhà trường dự kiến tuyển sinh các ngành mới này ngay trong trong mùa tuyển sinh 2019.
Tương tự, trường ĐH Hoa Sen cũng dự kiến tuyển mới ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Trong khi đó, các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TPHCM mở mới rất nhiều ngành. Chẳng hạn như trường ĐH Kinh tế - Luật sẽ tuyển mới ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Luật tài chính - ngân hàng (chất lượng cao). Trường ĐH Quốc tế có thêm ngành kế toán. Trường ĐH Công nghệ thông tin mở mới ngành Thương mại điện tử (chất lượng cao). Khoa Y mở thêm ngành Dược và Răng hàm mặt (chất lượng cao). Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tuyển mới ngành Truyền thông đa phương tiện; Quản lý thông tin. Trường ĐH Bách khoa mở mới một số chuyên ngành trong các ngành.
Lý giải về những ngành mới mở, TS. Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TPHCM cho rằng do nắm bắt xu thế của thị trường lao động, nhà trường phải lựa chọn và đưa vào giảng dạy những ngành mới lạ và chưa có nhiều nơi đào tạo. Điều này nhằm giúp ngành nghề mới sẽ không thiếu nhân lực để phát triển và người học cũng có cơ hội việc làm cao hơn.
Những ngành “độc, lạ”
Trong năm 2019 này, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lần đầu tiên đưa ra khái niệm “ngành xuyên ngành”. Trường sẽ mở thêm bốn ngành mới nhưng đáng chú ý có ngành tên khá “hot” như đào tạo về Robot và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó là ngành Quản lý hạ tầng kỹ thuật xây dựng, Vật liệu dệt may, Kinh doanh quốc tế.
Trong đó, ngành Robot và trí tuệ nhân tạo chỉ tuyển 20 chỉ tiêu là những học sinh giỏi, thi THPT quốc gia đạt từ 24 điểm trở lên ở khối A, A1 và ưu tiên học sinh trường chuyên. Sinh viên sẽ được miễn học phí, được đào tạo bằng tiếng Anh do giáo viên Việt Nam và quốc tế giảng dạy.
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, đây là ngành học xuyên ngành vì có sự phối hợp của ba khoa là cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin.
Lần đầu tiên, Việt Nam có trường đào tạo ngành Golf trình độ ĐH là ĐH Tôn Đức Thắng. Trường này mở hàng loạt ngành học mới ở bậc ĐH, gồm: Golf, Marketing, Kế toán - chuyên ngành kế toán quốc tế. Đồng thời, trường cũng mở 9 ngành thuộc chương trình chất lượng cao dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Theo các chuyên gia làm công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, ngày càng có nhiều ngành học mới với tên gọi hấp dẫn được tiếp thị đến người học. Những ngành học có tên gọi “khô khan” đang dần khó kiếm người học, thời đại công nghệ mới nên tên ngành học cũng phải mang dáng vẻ của thời đại trí tuệ số. Các trường cũng buộc phải tạo ra thật nhiều sức hút, giá trị cộng thêm cho người học mới mong tuyển sinh đạt chỉ tiêu.
Theo Dân Trí