Tăng tỉ lệ người tham gia BHXH: Lấy người lao động làm trung tâm
Mục tiêu tăng tỉ lệ người tham gia BHXH của Bình Ðịnh đang đứng trước không ít thách thức khi có điểm xuất phát khá thấp so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Vừa qua, 5 đơn vị: Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 25.10.2018 của Tỉnh ủy về cải cách chính sách BHXH giai đoạn 2019 - 2021.
Xuất phát điểm thấp
Đây là nhận định của ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về tỉ lệ người tham gia BHXH của Bình Định tại Lễ ký kết vừa qua. Đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 14,6 triệu người tham gia BHXH, đạt tỉ lệ 30,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong khi đó, Bình Định chỉ mới đạt tỉ lệ 11,98%.
Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu từng bước mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân được xem là tiến bộ và tiệm cận với các tiêu chuẩn an sinh xã hội trong các Công ước, Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế.
Bình Định phấn đấu đến cuối năm 2019, đạt tỉ lệ người tham gia BHXH 16,5%. Tương đương với việc LĐLĐ tỉnh phải có 85% đoàn viên công đoàn là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tham gia BHXH; Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh có trên 75% lao động làm việc trong các DN thuộc Ban quản lý tham gia BHXH; Hội Nông dân tỉnh có 10% hội viên và nông dân tham gia BHXH. Những con số này đang làm các nhà lãnh đạo của các đơn vị gấp rút có những kế hoạch, chương trình lồng ghép nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH ở hai khu vực: chính thức và phi chính thức.
Trách nhiệm này cũng dồn lên “vai” của 11 huyện, thị, thành phố khi ngày 21.2 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. TP Quy Nhơn phải nâng tỉ lệ người tham gia BHXH từ 25,19% vào cuối năm 2018 lên 29,65%. Huyện Tuy Phước từ 5,9% lên 10,44%; TX An Nhơn từ 7,29% lên 11,86%. Huyện Tây Sơn từ 6,77% lên 11,32%; Hoài Ân: 6,62% lên 11,17%; Hoài Nhơn: 7,97% lên 12,51%...
Tập trung tuyên truyền đúng cách
Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, một đồng nghiệp kể chuyện về quê ăn Tết, được nhiều cô bác họ hàng hỏi thăm “đã vào biên chế chưa”, rồi xuýt xoa: “không vào biên chế mai mốt già, sao có lương hưu hở cháu?”. Câu nói thường gặp này cho thấy một bộ phận người dân vẫn không hề biết đến chính sách BHXH với việc bao hàm cả chế độ hưu trí cho người tham gia và đủ điều kiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: Mỗi một cán bộ, công chức tham gia tuyên truyền chính sách BHXH, đại lý thu phải mở rộng, len lỏi vào từng nhà dân.
Chính sách BHXH cần được tuyên truyền một cách hiệu quả hơn để có thể tăng diện bao phủ. Nhưng, như thế nào là tuyên truyền hiệu quả? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng: “Mỗi một cán bộ, công chức cùng tham gia tuyên truyền về ý nghĩa của chính sách BHXH cho chính người thân, người dân tại cộng đồng của mình. Hệ thống đại lý thu phải mở rộng, len lỏi vào từng nhà dân để giúp bà con hiểu được cái lợi của BHXH mà tham gia”.
Đây không phải là lần đầu tiên, các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo về mức độ sâu sát, gắn bó chặt chẽ với đối tượng tham gia BHXH của ngành BHXH, các đơn vị liên quan. Đặt trong thế tương quan với các đơn vị bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, ngành BHXH tỉnh cần tích cực, năng động hơn cho mục tiêu tăng tỉ lệ của BHXH trong năm 2019.
Từ ngày 1.1.2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ % trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với các đối tượng khác.
Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2018 của Cụm thi đua số IV ngành BHXH tổ chức tại TP Quy Nhơn, BHXH tỉnh Quảng Trị, đơn vị đứng thứ nhất trong Cụm thi đua và thuộc tốp 10 đơn vị có tỉ lệ phát triển đối tượng BHXH tự nguyện tăng cao nhất toàn ngành năm 2018, đã đúc kết kinh nghiệm: phối hợp với Bưu điện tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại; cán bộ, viên chức BHXH, nhân viên đại lý thu “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
BHXH huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), đơn vị về đích trong chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện vào cuối năm 2018, cho biết đã chia đối tượng vận động thành các nhóm để có cách thức tuyên truyền phù hợp. Có 5 nhóm đối tượng của BHXH tự nguyện: nhóm buôn bán, thu nhập ổn định; nhóm lao động khoán ở các đơn vị sự nghiệp; nhóm xin hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; nhóm thanh niên mới ra trường, chưa xin được việc làm... Mỗi nhóm có một cách tuyên truyền, hướng dẫn, thời gian vận động khác nhau nhưng điểm chung vẫn là phải đến từng nhà, gõ từng cửa.
NGUYỄN MUỘI