Nhớ quả bồ kết
Ở quê ngày trước, cứ tầm năm bảy nhà lại có một nhà trồng bồ kết, thường thì mọc hoang người ta giữ lại thôi. Một hai cây thôi là đủ dùng cho non xóm. Đến mùa trái chín rụng, người ta lại nhặt đem phơi khô, treo ở gác bếp dùng dần.
Bồ kết chủ yếu dùng để gội đầu. Mỗi bận gội đầu, mẹ lấy độ khoảng một đến hai quả vùi vào bếp lửa nướng chín giòn lên. Muội đen bám quanh quả bồ kết, mẹ lấy dao cạo kỹ, thật sạch, bẻ thành từng miếng nhỏ cho vào nồi nước nóng. Nồi nước trong vắt bỗng dưng ngả sang màu vàng cánh gián kỳ diệu, đậm đặc, hương thơm bắt đầu khe khẽ lan tỏa dịu dàng.
Từ lúc còn nằm nôi cho đến khi trở thành thiếu nữ, hai chị em tôi vẫn thường được mẹ gội đầu. Cảm giác bình yên len khẽ với hạnh phúc khi được mẹ múc từng gáo nước chầm chậm tưới lên đầu. Nước bồ kết bết lên mái tóc, nhẹ nhàng chạm khẽ da đầu, luồn vào từng chân tóc mơn man. Bồ kết đã tạo nên sự duyên dáng, dịu dàng của phụ nữ Việt một thời.
Bây giờ ngay cả ở quê người ta cũng đã ít dùng bồ kết.Thay vào đó là dầu gội với vô số nhãn hiệu. Cũng không còn thấy hình bóng trái bồ kết treo gác bếp quen thuộc nữa. Con gái bây giờ cũng chẳng mấy ai mặn mà với trái bồ kết. Hương xưa đã phai nhòa thật rồi. Chỉ còn lại những luyến nhớ, thanh khiết hương bồ kết một thuở… Thế nhưng mấy hôm nay trên mạng xã hội đột nhiên có nhiều người rao bán tinh dầu 100% chiết xuất từ quả bồ kết; rồi nhiều người xới lại ký ức cũ, rồi chợt nhận ra rằng khác với tất cả các loại dầu gội công nghiệp, bồ kết không có tác dụng phụ, không gây hại da đầu và có rất nhiều lợi ích khác. Thế là người ta rủ nhau tìm về bồ kết.
Chưa chắc là rồi bồ kết có trở lại như thời xưa cũ không, nhưng mẹ tôi rất đỗi vui mừng khi nghe gọi điện về gợi ý trồng lại cây bồ kết. Mẹ cười: Cha bố cô, sao mà phải trồng chứ, nó vẫn ở góc vườn, mẹ vẫn gội đầu bằng bồ kết, hương nhu, lá sả, hoa bưởi đấy cô ạ!
TĂNG HOÀNG PHI