Kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam (27.2): Chuyện những người làm y tế dự phòng
Khi nói đến ngành y tế, nhiều người nghĩ ngay đến đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Nhưng còn một lực lượng rất quan trọng, đảm nhận nhiệm vụ chủ động ngăn ngừa bệnh tật trong cộng đồng - họ thuộc biên chế của y tế dự phòng.
Vất vả xử lý dịch sốt xuất huyết
Năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với năm 2017. Tuy nhiên, việc số người mắc bệnh có nguyên nhân từ muỗi này có xu hướng tăng cao trong dịp cuối năm khiến nhiều địa phương bất ngờ. Lực lượng y tế dự phòng ở Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn luôn được đặt trong tình trạng báo động. Tất cả các thành viên của TTYT huyện, thị xã, thành phố cùng lực lượng của trạm y tế xã sẵn sàng giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở các tuyến một cách chặt chẽ, có hệ thống nhằm phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên để kịp thời khống chế, dập tắt. Bên cạnh đó, các đơn vị còn chủ động giám sát các ổ dịch cũ, các điểm nguy cơ, thực hiện báo cáo, phản hồi ca bệnh trong ngày; tổ chức điều tra, xác minh và triển khai xử lý kịp thời tất cả các ổ dịch.
Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm chủng, những năm qua nhiều loại dịch bệnh không còn xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
- Trong ảnh: Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm y tế phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn).
Vào cuộc quyết liệt, vận hành cả hệ thống chính trị vào cuộc như ở Hoài Nhơn, thế nhưng số ca sốt xuất huyết và số điểm dịch vẫn không giảm. Cứ khống chế được ở xã này, ổ dịch lại xuất hiện ở xã khác. Có lẽ quá bức xúc sau nhiều tháng “chiến đấu” với… muỗi, trong một lần trò chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Lệ Kiều, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn, nói như mếu: “Chẳng hiểu sao chúng tôi đã làm quyết liệt vậy mà chưa kéo giảm được số người mắc sốt xuất huyết. Chúng tôi đã làm mọi cách, từ diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động, giám sát các ổ dịch, đến tập trung dập những ổ dịch mới phát hiện…, nhưng suốt từ tháng 9.2018 đến tháng 2.2019 số người mắc vẫn còn ở mức cao”.
Lực lượng tại chỗ khá mỏng, lại phải đảm đương nhiều phần việc khác, nên khả năng chống dịch của các trạm y tế xã, phường, thị trấn còn hạn chế cũng là điều dễ hiểu. Dẫu vậy, họ vẫn luôn đặt tinh thần trách nhiệm lên trên hết để đảm bảo công tác phòng chống dịch đạt được hiệu quả cao nhất. Điều đó đã được thể hiện ngay trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khi cán bộ TTYT TX An Nhơn cùng nhân viên các trạm y tế cùng xuống từng khu phố để phun thuốc diệt muỗi và cùng người dân diệt lăng quăng.
Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho biết: “Cuối năm ai cũng bận rộn cả việc cơ quan lẫn gia đình, nhưng nhiệm vụ thì vẫn phải hoàn thành. Dịp Tết, bà con thường lơ là, nguy cơ bùng phát dịch càng cao, rất khó kiểm soát, nên phải đặt mục tiêu khống chế dịch sớm để còn yên tâm ăn tết”.
Trong khi đó, với kinh nghiệm trong phòng chống dịch, bác sĩ Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là phải cho mọi người hiểu rằng phòng chống dịch sốt xuất huyết không phải là trách nhiệm của riêng ngành Y tế, mà là của địa phương, của từng cơ quan, đơn vị và của mỗi gia đình, người dân. Tôi từng kiến nghị với lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, giao nhiệm vụ cho các địa phương trong việc phòng chống dịch, để họ vận động người dân cùng tham gia với ngành y tế. Nhờ đó mà số người mắc sốt xuất huyết trong những năm gần đây ở Vĩnh Thạnh không đáng kể”.
Căng thẳng với tiêm chủng mở rộng
Với nhiều tính năng ưu việt trong việc phòng ngừa nhiều loại bệnh nguy hiểm, vắc-xin đang là một trong những phương án hữu hiệu được các quốc gia triển khai trên diện rộng. Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, công tác tiêm chủng mở rộng đã và đang được thực hiện tốt. Nhờ đó, chúng ta đã thanh toán, đẩy lùi được một số căn bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao trên người. Tuy nhiên, hiệu quả phòng dịch trong cộng đồng chỉ đạt được khi tỉ lệ người tham gia tiêm chủng đạt cao.
Nhờ duy trì tốt hoạt động tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại tất cả các trạm y tế xã, phường nên tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin; tiêm vắc-xin VGB liều sơ sinh cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh; tiêm DPT và MR cho trẻ 18 tháng tuổi, tiêm Viêm não Nhật Bản mũi 3, tiêm vắc-xin uốn ván VAT2+ cho phụ nữ có thai đều vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên tỉ lệ tiêm DPT-VGB-Hib 3 và bOPV3 cho trẻ dưới 1 tuổi chưa đạt tiến độ, do thiếu vắc-xin từ tháng 9.2018 và việc chuyển đổi vắc-xin ComBE Five thay thế cho vắc-xin Quinvaxem gặp khó khăn do phản ứng sau tiêm chủng.
(Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Không liên quan đến yếu tố thời tiết như dịch sốt xuất huyết, nhưng việc Bộ Y tế chuyển đổi vắc-xin 5 trong 1 từ Quinvaxem (Hàn Quốc sản xuất) sang ComBE Five (Ấn Độ) khiến những tháng cuối năm 2018 đội ngũ làm công tác y tế dự phòng trong tỉnh trở nên căng thẳng. Là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five cho trẻ, họ không khỏi lo lắng. Bởi bất kỳ loại vắc-xin nào cũng có những tỉ lệ phản ứng nhất định, nên việc đảm bảo an toàn cho trẻ trước, trong và sau khi tiêm luôn được đặt lên hàng đầu.
Bác sĩ Phan Ngọc Thắng, Trưởng Trạm Y tế phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), cho biết: “Không chỉ chúng tôi mà hầu như ở bất kỳ trạm y tế nào, mỗi khi chuyển đổi một loại vắc-xin khác là một phen lo lắng. Nếu xảy ra sự cố nào đó, chưa cần biết có phải do nhân viên y tế gây ra hay không thì những người bị gia đình “bắt đền” đầu tiên vẫn là trạm y tế xã. Do đó, trong những đợt tiêm vắc - xin ComBE Five đầu tiên, chúng tôi huy động 100% nhân viên trạm tham gia, thực hiện nghiêm túc quy trình do Bộ Y tế ban hành; thăm hỏi kỹ tình trạng sức khỏe của trẻ, hướng dẫn cho người nhà chi tiết việc theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm… Tôi cũng báo cáo với lãnh đạo phường, trong những ngày tiêm chủng thì ưu tiên tối đa cho hoạt động này, nên… đừng giao nhiệm vụ khác”.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), cho hay: “Không chỉ trong đợt này, mỗi khi chuyển loại vắc-xin, chúng tôi đều như ngồi trên lửa. Nhưng nhờ có sự chuẩn bị tốt, cả trong khi tiêm và kỹ năng xử trí những ca phản ứng sau tiêm, nên nhìn chung đến nay mọi việc cơ bản đều ổn. Tuy nhiên, với tỉ lệ tiêm vắc-xin 5 trong 1 còn thấp, mới chỉ đạt 69,9%, thời gian tới chúng tôi còn phải nỗ lực nhiều hơn để nâng tỉ lệ trẻ được tiêm chủng, đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh trong tương lai”.
LÊ CƯỜNG