Đào trùn biển ven đầm Đề Gi
Mùa khai thác trùn biển ở khu vực đầm Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7. Tầm này mỗi khi thủy triều rút là hàng chục người mang thùng, xô nhựa, đèn pin, cuốc đến đào bắt trùn biển. Lúc này, những đụn cát sẽ xuất hiện ở bãi đầm, người đi bắt chỉ cần dùng cuốc nhỏ đào đụn cát lên là bắt được trùn biển.
Trùn biển có hình dạng na ná như một con giun lớn đầy màu sắc. Khi còn tươi, chúng dài khoảng 5 đến 10 cm, cá biệt có con dài đến 15 - 40 cm... Khi bị đưa lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng. Anh Nguyễn Công Bình (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, một người thường đi đào trùn biển) cho hay: “Để bắt được con trùn biển này, đòi hỏi người bắt phải nhanh tay nhanh mắt. Phải vừa đào vừa bắt thật nhanh nếu không con trùn sẽ chui sâu xuống đất khó mà bắt lại được”.
Trùn biển sau khi được người dân đào bắt xong sẽ bán cho các thương lái, hoặc đem ra chợ bán, có nhiều người đem về làm sạch phơi khô có giá bán cao hơn. Vào mùa, trung bình mỗi ngày một người bắt được khoảng 3 - 4 kg. Hiện nay, mỗi ký trùn biển tươi có giá từ 80 - 100 ngàn đồng, riêng trùn biển khô giá rất cao, dao động từ 1 - 1,2 triệu/kg tùy thời điểm.
Được biết, trùn biển có giá trị dinh dưỡng cao, ngoài việc chế biến các món ăn như: trùn biển tươi có thể nấu canh với bầu, bí và các loại rau, củ; trùn biển khô có thể chiên rán. Đặc biệt, nó còn được xem là “thần dược” tráng dương, tăng cường sinh lực.
VĂN THÝ