Sử dụng thiết bị hiện đại đánh bắt thủy sản: Năng suất, hiệu quả cao
Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi, ngư dân tỉnh ta đã chủ động trang bị các thiết bị đánh bắt hiện đại, giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 6.164 tàu cá, tổng công suất trên 1,8 triệu CV; trong đó, có 4.358 tàu cá thuộc diện đăng kiểm, 1.806 tàu có chiều dài dưới 12 m. Vài năm trở lại đây, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản xa bờ. Cùng với đó, ngư dân tỉnh ta cũng chủ động nâng cấp, đóng mới tàu cá công suất lớn, đầu tư trang bị máy móc hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Ngư dân Lê Ngô Hát, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99168 TS kiểm tra các thiết bị hiện đại trên tàu để chuẩn bị ra khơi.
Cách đây 8 năm, ông Nguyễn Tấn Bình, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, chủ tàu cá BĐ 91332 TS, đầu tư hơn 400 triệu đồng mua máy dò ngang để hành nghề, nhờ máy này, sản lượng thủy sản khai thác được tăng thấy rõ. Ông Bình cho biết: “Máy dò quét ngang có nhiều tính năng vượt trội hơn máy dò đứng, không chỉ phân biệt được hướng di chuyển, mà còn biết rõ mức độ tập trung, tốc độ di chuyển của đàn cá để đánh bắt. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt trong mỗi chuyến biển tăng gấp 2-3 lần”.
Bên cạnh việc đầu tư thiết bị, máy móc, ngư dân cũng chú trọng đầu tư hầm bảo quản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Phan Văn Điệp, ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, chủ tàu cá BĐ 95757 TS, cho hay: “Năm 2015, tôi đầu tư hơn 70 triệu đồng để nâng cấp 6 hầm bảo quản thủy sản trên tàu bọc bằng các chất liệu xốp, i-nox, phun PU (Polyurethane). Nhờ vậy, mỗi chuyến ra khơi kéo dài từ 20 - 25 ngày không còn lo chuyện đá tan, ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản hải sản nữa”.
Việc thực hiện Nghị định 67/CP của Chính phủ đã giúp ngư dân có điều kiện vay vốn, đóng mới tàu vỏ thép với nhiều trang thiết bị hiện đại để vươn khơi. Ông Phạm Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu vỏ thép BĐ 99169 TS, cho biết: “Hầu hết các tàu vỏ thép đều được trang bị các thiết bị hiện đại, như: máy dò chụp, dò quét, ra đa, hải bàn, bộ tự động nhận dạng, định vị, máy Movimar, bộ đàm 12 băng tần... giúp ngư dân đánh bắt đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro khi hoạt động trên biển”.
Còn ngư dân Lê Ngô Hát, cũng ở xã Cát Khánh, chủ tàu vỏ thép BĐ 99168 TS, chia sẻ: “Tàu vỏ thép chịu được sóng to, gió lớn khi hoạt động dài ngày trên biển. Bên cạnh hệ thống máy móc hiện đại, phải kể đến hệ thống hầm bảo quản với công nghệ hiện đại lắp đặt hệ thống làm lạnh, giữ được sản phẩm tốt hơn, giúp tăng hiệu quả kinh tế”.
Cùng với việc thực hiện các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, đến nay, Chi cục đã hỗ trợ ngư dân lắp đặt 540 máy Movimar và hơn 2.800 máy HF VX-1700 trên tàu cá để ngư dân gởi tin về trạm bờ, giúp cơ quan quản lý có thể chủ động kiểm tra, giám sát, quản lý tàu cá hoạt động trên biển, nhằm nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu. Đồng thời, cảnh báo các sự cố thiên tai về mưa bão để ngư dân chủ động phòng tránh.
“Dù có nhiều bước tiến bộ, nhưng nghề cá của Việt Nam nói chung, ở tỉnh ta nói riêng vẫn mang tính “nghề cá nhân dân” (tức ngư dân, hộ gia đình làm chủ con tàu) đánh bắt theo truyền thống, mức độ tiếp cận, cập nhật công nghệ hiện đại rất chậm. Để phát triển bền vững, ngư dân rất cần được đào tạo chuyên môn trong ứng dụng KHKT, máy móc, thiết bị, công nghệ khai thác và bảo quản... nhằm giảm bớt sức người trong sản xuất, tháo gỡ tình trạng thiếu lao động trên tàu, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, kêu gọi DN tham gia đầu tư trong lĩnh vực nghề cá từ khâu thiết lập chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, có như vậy nghề biển mới phát triển bền vững theo hướng hiện đại hóa”, ông Tâm chia sẻ thêm.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN